Ở đây tôi chỉ nói về các môn phái Tử Vi hiện đang tồn tại và phát triển bên Đài Loan- vốn là trung tâm của Tử Vi đương đại, nhưng qua đó mọi người cũng hiểu được sự phát triển của Tử Vi bây giờ.
Rất nhiều các tên tuổi đã nổi lên rồi lại bị xóa nhòa cùng năm tháng bởi vì Tử Vi cũng luôn tiến hóa và luôn thay đổi để theo kịp với thời đại. Các kiến thức và nghiên cứu của những người sau thay đổi nhận thức tư tưởng của những người đi trước. Do vậy những người học Tử Vi đừng nên chấp vào 1 nguồn kiến thức hay một lý thuyết cố định nào đó và cho là nó bất biến. Chúng ta nên lấy thực tế làm trọng, lý thuyết phải được ứng dụng vào thực tế và cho kết quả đúng thì đó là lý thuyết đúng. Hơn nữa số mệnh cũng cực kỳ biến hóa, hiện tượng cùng một lá số nhưng số phận khác nhau hiện nay là rất phố biến. Đây là một trường hợp điển hình cho việc biến hóa của số phận. Nên các hệ thống Tử Vi không diễn giải được hết sự biến hóa của số mệnh đều sẽ sớm bị đào thải. Những hệ thống Tử Vi không có sự phát triển theo thời đại cũng chung kết quả trên.
Người học Tử Vi cần học trước tiên đó chính là lịch sử của Tử Vi, cũng như nắm được tình trạng Tử Vi hiện nay trên thế giới phát triển ra sao để tránh tình trạng các cụ gọi là ếch ngồi đáy giếng. Đó là việc chúng ta không biết xung quanh ra sao cứ tưởng mình là nhất. Chỉ khi biết được lịch sử, biết được hiện tại ra sao chúng ta mới có thể xác định được nên học cái gì để không sớm bị đào thải.
Hiện tại tôi xin kể tên 1 loạt các tên tuổi lớn của Tử Vi Đài Loan. Vì sao không nhắc tới Trung Quốc? Về cơ bản Tử Vi Trung Quốc sau cách mạng văn hóa đốt sách tới nay thì gần như trở về số 0. Trung Quốc hiện nay vẫn luôn hạn chế các sách Tử Vi nói riêng và huyền học nói chung. Do vậy sự phát triển của Tử Vi ở Trung Quốc không có gì để chúng ta quan tâm.
Ở Đài Loan phân ra 2 dòng chính là Bắc Phái và Nam Phái (hay còn gọi là Tam Hợp Phái). Tuy nhiên hiện nay khá hỗn tạp vì một số người xưa thuộc Nam Phái thì nay viết sách cũng đem Tứ Hóa vào sách và cũng sử dụng Phi Hóa trong các luận giải của mình.
Bắc Phái vốn bí truyền nghìn năm qua nhưng từ khi Thái Minh Hồng bán ra ngoài cuốn “Hoa Sơn Khâm Thiên Tứ Hóa Tử Vi Đẩu Số phi tinh bí nghi” và sau đó là công khai mở lớp học dạy Khâm Thiên Tứ Hóa những năm 198x thì các môn phái của Bắc Phái xuất hiện và công khai nhiều hơn. Có rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh nguồn gốc của môn phái “Hoa Sơn Khâm Thiên Tứ Hóa” do Thái Minh Hồng nhận làm trưởng môn đời thứ 36, nhưng theo sự hiểu biết và suy luận của tôi thì: Kiến thức và lý luận của Khâm Thiên Tứ Hóa đúng là uyên thâm sâu sắc khác xa với những môn phái Tứ Hóa khác. Có thể đúng là từ cung đình truyền ra. Nhưng truyền ra bằng cách nào thì không được xác thực và theo như Thái Minh Hồng kể lại thì không thuyết phục được người nghe. Vì như thực tế bên Đài Loan có những người như cụ Chu Thanh Hà đã sử dụng phi tinh từ rất lâu để xem số và đã được giới Tử Vi Đài Loan công nhận. Hay như trong bài giảng của cụ Sở Thiên Vân Khoát (sinh năm 1955 – là một lão sư dạy Hà Lạc Bắc Phái nổi tiếng hiện tại của Đài Loan) thì từ những năm cụ còn bé 196x đã thấy những thầy dùng Tứ Hóa để xem Tử Vi. Song song với Khâm Thiên Tứ Hóa thì Hà Lạc Bắc Phái cũng kiến thức tương tự với Khâm Thiên nhưng nguồn gốc đều không hề xuất phát từ Thái Minh Hồng. Đài Loan cũng nhiều vị lão sư phê phán Thái Minh Hồng ngụy tạo nguồn gốc môn phái. Theo lão sư Ngô Thu Dung là vợ lão sư Thái Minh Hồng công bố thì lịch sử Khâm Thiên Tứ Hóa do Thái lão sư công bố chỉ là dựa trên cảm hứng về một câu chuyện ngoài đời. Đó là những năm 198x hai vợ chồng Thái lão sư có cúng dường một sư cô ở chùa trong nhiều năm và sư cô có trao tặng Thái lão sư một cuốn sách Tử Vi. Thái lão sư lấy cảm hứng từ đó xây dựng nên nguồn gốc Khâm Thiên Tứ Hóa. Kì thực các nhân vật trong câu chuyện đó đều là hư cấu. Tuy nhiên chúng ta cũng không đánh giá nhiều mấy việc nguồn gốc đó, quan trọng chúng ta nhìn vào hệ thống kiến thức của Khâm Thiên Tứ Hóa thì tôi vẫn phải công nhận rằng nó phải được hình thành và phát triển trong hàng nghìn năm bởi những người thực sự am hiểu dịch lý. Điểm trừ to nhất của Khâm Thiên Tứ Hóa đó là hệ thống phức tạp chưa được hiện đại hóa để có thể tiếp cận được với nhiều người hơn và ứng dụng vào thực tế nhiều hơn. Hiện tại những người có thể học và hiểu được Khâm Thiên Tứ Hóa không nhiều, 100 người học may ra được 10 người hiểu, do vậy có thể nói học Khâm Thiên Tứ Hóa khó học và khó thành tài. Vì sao? Có 2 nguyên nhân:
1. Bản thân hệ thống Khâm Thiên Tứ Hóa quá phức tạp, kiến thức nhiều và chồng chéo nhau làm người học khi học xong không biết khi nào sử dụng cái nào. Các thế hệ sau của cụ Thái Minh Hồng như là Ngô Trung Thành, Chung Minh Tu, Trịnh Mục Đức cũng là theo thầy mà dạy, không dám cải biến cho dễ học dễ hiểu hơn.
2. Những người học Tử Vi đa số đều khởi đầu từ Nam Phái nên tư tưởng tương đối khác biệt với Bắc Phái, do vậy rất khó học tư tưởng mới của Bắc Phái.
Cụ Thái Minh Hồng đã mất năm 2014. Hiện tại thì Khâm Thiên Tứ Hóa do em trai cụ là Diệp Trí Duyên cùng các đại đệ tử duy trì.
Tổng kết lại Khâm Thiên Tứ Hóa là một môn phái đáng để học tập, tuy nhiên học thì rất khó nếu không có người đi trước hướng dẫn. Nhiều người ở Việt Nam nghĩ rằng chỉ cần học xong: Pháp tượng, xuyến liên, bình hoành, môi giới, cung vị trùng điệp, phá tượng, Lộc nhân Kỵ quả… là đã học xong Khâm Thiên Tứ Hóa. Thật đáng tiếc đó chỉ là lầm tưởng. Những cái tên kia chỉ là kỹ pháp, còn Khâm Thiên Tứ Hóa học trọng tâm ở lý, có lý trước rồi mới tới kỹ pháp. Hiểu lý mới có thể dụng kỹ, nên học Khâm Thiên Tứ Hóa phải học trong vài năm mới có thể hiểu được đầy đủ lý và kỹ của nó.
Khâm Thiên Tứ Hóa chỉ là một môn phái cũng không phải đại diện cho toàn bộ Bắc Phái. Bắc Phái môn phái tương đối nhiều nhưng đại diện tiêu biểu chỉ có Khâm Thiên Tứ Hóa Thái Minh Hồng cùng các đệ tử (Ngô Trung Thành, Chung Minh Tu, Trịnh Mục Đức, Vân Trung Thanh), Hà Lạc Bắc Phái(Sở Thiên Vân Khoát), Khâm Thiên Vô Cực Môn (Lý Tử Dương, Ông Phúc Dụ), Hứa Thuyên Nhân, Khuyến Học Trai Chủ, Chu Thanh Hà và các đệ tử (Từ Tĩnh Quan, Từ Tăng Sinh, Lương Nhược Du, Phương Ngoại Nhân…) Đây là những đại diện tiêu biểu của Bắc Phái đương đại xuất hiện giảng dạy và xuất bản sách được nhiều người biết tới. Một số tên tuổi khác ít xuất hiện hơn như Cửu Thiên, Phật Tiếu Tiên, Lưu Kim Phủ… và rất nhiều những người ẩn danh khác không được biết tới.
Sở Thiên Vân Khoát lão sư sinh năm 1955 hiện được coi là Thái Tinh Bắc Đẩu trong làng Tử Vi Bắc Phái ở Đài Loan và Đại Lục.
Lão sư họ Dương nên hay gọi là Dương lão sư. Theo lời kể của Dương lão sư thì trước 40 tuổi vẫn nghiên cứu Tam Hợp Phái nhưng vì thấy Tam Hợp chưa thỏa mãn được nhiều khúc mắc trong lòng nên từ 40 tuổi bắt đầu đi học Bắc Phái, tới 60 tuổi bắt đầu giảng dạy Bắc Phái ở Đài Loan và HồngKong. Hệ thống Tử Vi Bắc Phái của Dương lão sư gọi là Hà Lạc Bắc Phái, hệ thống này tương đồng nhiều kiến thức với hệ thống của Thái lão sư như pháp tượng, xuyến liên, bình hoành, song tượng, đơn tượng, tự hóa… một số kiến thức bị loại bỏ và phê phán như môi giới, có tượng tất có vật… Có thể đánh giá là Dương lão sư đem những thứ cốt lõi của Bắc Phái vào hệ thống ứng dụng và loại bỏ đi những thứ không hữu dụng, đồng thời phát triển những lý thuyết mới cho hệ thống Hà Lạc Bắc Phái của mình như là phản bối, ngăn trở, âm dương điên đảo điên, dụng trung chi dụng… Đặc điểm của hệ thống Hà Lạc Bắc Phái là hữu dụng và đơn giản, lấy trọng tâm là bình hoành lưỡng nghi tượng số.
Hệ thống Hà Lạc Bắc Phái bao gồm cả hệ thống phi cung 36 sao và hệ thống tự hóa được đánh giá là một hệ thống toàn diện đáng để học tập.
Chu lão sư Chu Thanh Hà sinh năm Tân Mùi tháng Sáu giờ Dậu, cung mệnh Mậu Tuất tọa Tử Vi, Thiên Tướng.
Chu Thanh Hà truyền thừa cho > Từ Thị huynh đệ (Từ Tú Thanh, Từ Tú Nguyên).
1. Chu Thanh Hà à Từ Tú Thanh (Huynh) (một) à truyền thừa đến Từ Tăng Sinh (sách: Tử Vi Đẩu Số mệnh vận phân tích – khosachquy.com). Từ Tăng Sinh là đại đệ tử cuối cùng của Chu Thanh Hà lão sư, năm 1980 lần đầu tiên thấy đến Chu Thanh Hà lão sư học tập, năm 1981 chánh thức hướng Chu Thanh Hà lão sư bái sư học tập Tử Vi Đẩu Số, nhưng năm 1982 cuối cùng Từ Tăng Sinh đi Mỹ công tác 4 tháng, cuối năm 1982 Chu Thanh Hà lão sư qua đời. Năm 1985 Từ Tăng Sinh tiếp tục cùng “Từ Tú Thanh lão sư” theo học học tập Tử Vi Đẩu Số.
2. Chu Thanh Hà à Từ Tú Nguyên (đệ) tức Từ Tĩnh Quan truyền thừa đến > “Tinh pháp, Vương Thông Hoa”, Phương Ngoại Nhân Tăng Quốc Hùng, Lương Nhược Du, “Tần An Nam → Tiểu Khổ”.
Trong mạch truyền thừa của Chu lão sư thì có một số người khá có tên tuổi trong giới Tử Vi những năm 199x tới nay như Phương Ngoại Nhân, Lương Nhược Du, Từ Tăng Sinh. Nhưng cả 3 nhân vật này chúng ta không thấy có sự đồng nhất về kiến thức. Trong số 3 đệ tử tương đối nổi của ông thì mỗi người sử dụng hoặc tự phát triển kiến thức đi theo những hướng khác nhau và đặc biệt chỉ sử dụng phi cung không thấy có nhắc đến tự hóa. Theo lời kể lại thì Chu lão sư xưa luận mệnh nổi tiếng chính xác được ca ngợi rất nhiều nhưng các đệ tử sau này thì không được như thầy. Tuy nhiên còn 1 người nữa có lẽ mọi người ít được nghe tên đó là Ngụy Hồng Khanh sinh năm 197x năm nay đã ngoài 50 tuổi là đệ tử truyền thừa của Từ Tĩnh Quan lão sư, người này không rõ có học thêm từ những vị lão sư khác không, nhưng từ 2015 đi dạy Tử Vi đã dạy về tự hóa. Do vậy Chu lão sư có biết tự hóa hay không- hiện vẫn là một ẩn số đối với chúng ta. Nhưng 3 người học trò tương đối nổi bật trong giới Tử Vi thì không thấy sử dụng tự hóa bao giờ, có lẽ không được truyền dạy chính mạch nên mỗi người đã tự nghiên cứu và sáng tạo ra con đường đi của riêng mình.
Từ Tăng Sinh ở Việt Nam được biết tới với bộ “Mệnh Vận Phân Tích”-3 tập, do Thiên Hỏa Đồng Nhân Hội dịch tập 1 (miễn phí bản pdf) và các dịch giả của khosachquy.com dịch tập 2 và 3.
Phương Ngoại Nhân thì được biết tới với tên là Hà Lạc Phái và thủ pháp nổi tiếng là đồng bộ đoạn quyết, mọi người có thể đọc trong 2 tập sách “Khai quán nhân” của tác giả Phương Ngoại Nhân đã được dịch ra tiếng Việt (sách gốc có tại: khosachquy.com).
Lương Nhược Du được biết tới với Lương Thị Phi Tinh do chính Lương lão sư nghiên cứu và sáng tạo ra. Tâm sự trong sách Lương lão sư có nói vì không được sư phụ truyền dạy nên đã phải tự nghiên cứu và sáng tạo ra Lương Thị Phi Tinh. Lương lão sư viết rất nhiều sách và toàn bộ cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Tiêu biểu là “Độc Môn Tâm Pháp” sách này do học trò của Lương lão sư là Trương Thế Hiền viết về các thủ pháp của Lương Thị Phi Tinh. Ngoài ra các sách khác của Lương lão sư như “Đạo Tàng Phi Mật”, “672 tượng giảng nghĩa”, “Chu Sư Thủ Pháp”, “Thuyết Mệnh” đều đã được dịch ra tiếng Việt (sách gốc có tại: khosachquy.com).
Trong số 3 người truyền thừa dòng Chu lão sư thì Lương lão sư là được nổi trội nhất và cũng có thể nói là thành công nhất, nhưng Lương Thị Phi Tinh lại không phải là được truyền thừa từ Chu Lão Sư, do vậy cũng thật tiếc là Chu lão sư một đời nổi tiếng vậy mà đến giờ không rõ ai là người kế thừa và phát huy được tinh hoa của cụ. Có lẽ là không có ai!
Vậy Lương Thị Phi Tinh có đáng để học tập? Nếu như bạn không có khả năng tiếp cận với Khâm Thiên Tứ Hóa(Thái Minh Hồng) hay Hà Lạc Bắc Phái (Sở Thiên Vân Khoát) thì Lương Thị Phi Tinh có thể là một lựa chọn tốt cho bạn. Còn nếu bạn đã tiếp cận được 2 trường phái trên thì cũng không cần thiết phải học thêm Lương Thị Phi Tinh.
Lương Thị Phi Tinh được mọi người đánh giá là một hệ thống dễ hiểu và dễ vận dụng, nó sử dụng Lộc tùy Kỵ tẩu và Khoa tùy Quyền tẩu- đây là 1 nguyên lý nền tảng của Bắc Phái từ rất xa xưa trong Khâm Thiên Thái Minh Hồng hay Hà Lạc Bắc Phái Sở Thiên Vân Khoát đều ứng dụng rất nhiều. Tuy nhiên thì Lộc không phải lúc nào cũng theo Kỵ và Khoa không phải lúc nào cũng theo Quyền, còn có Kỵ tùy Lộc tẩu và Quyền tùy Khoa tẩu- do vậy có thể nhiều khi không thể ứng dụng như vậy được và sẽ gây ra nhiều thiếu sót của hệ thống. Hơn nữa nếu chỉ dùng phi tinh không dùng tự hóa thì sẽ bị hạn chế trong việc luận đoán vận hạn và sẽ không thể trở thành một hệ thống toàn diện.
Kết luận là Lương Thị Phi Tinh tuy không phải là một hệ thống toàn diện như Khâm Thiên và Hà Lạc Bắc Phái nhưng nếu không có sự lựa chọn nào khác thì nó vẫn là một hệ thống đáng để học tập.
Lý Tử Dương với Khâm Thiên Vô Cực Môn truyền thừa cho học trò là Ông Phúc Dụ (cả 2 thầy trò hiện cũng đều đã mất). Lý Tử Dương lão sư với Thái Minh Hồng lão sư có thời gian có những lùm xùm quanh việc tranh chấp về tài liệu nên hai bên gần như không qua lại với nhau. Một người tự lập Khâm Thiên Tứ Hóa, một người lập nên Khâm Thiên Vô Cực Môn. Lý lão sư rất ít truyền dạy và thu nhận đệ tử do vậy hiện nay cũng không rõ có những ai là đệ tử truyền thừa, chỉ biết rằng Lý lão sư truyền cho Ông Phúc Dụ và mạch truyền thừa của Lý lão sư hiện tại chỉ được biết đến chính là Ông Phúc Dụ. Lý lão sư và Thái lão sư cả 2 đều nhận mình là trưởng môn Khâm Thiên Môn đời thứ 36, do vậy Ông Phúc Dụ cũng nhận là trưởng môn Khâm Thiên Môn đời thứ 37. Ông Phúc Dụ cũng rất khắt khe trong việc thu nhận đệ tử do vậy sau khi qua đời đến nay cũng không rõ ai là đệ tử truyền thừa.
Lý lão sư có để lại 2 sách là “Lạc dương dịch nguyên độc bộ tứ hóa Tử Vi Đẩu Số phi tinh bộ thiên thông hội nhất tứ tứ quyết” và “Tử Vi Đẩu Số bí nghi truyền thừa” -hiện chưa có bản dịch ra tiếng Việt. Ông Phúc Dụ thì để lại một bộ 6 sách hiện tại đã được dịch hết ra tiếng Việt bao gồm “Đẩu Số công phu”, “Đẩu Số hộ pháp”, “ Đẩu Số chấp pháp”, “Phi tinh giải mã”, “Khâm thiên Vô cực môn đại dịch nguyên chính tông” (sách gốc có tại: khosachquy.com).
Vì sự lựa chọn đệ tử khắt khe nên phái “Khâm Thiên Vô Cực Môn” của Lý lão sư hiện không được phát triển, không có ai có tên tuổi đứng lên phát dương quang đại môn phái nên muốn học theo môn phái này gần như không có manh mối để học tập ngoài những sách đã nêu.
Trên đây đã điểm qua những trường phái Tử Vi Bắc Phái tiêu biểu ở Đài Loan được cho là có ảnh hưởng lớn và hiện đang phổ biến được nhiều người học tập. Trước khi học Tử Vi hay theo đuổi một môn phái nào đó chúng ta cũng cần phải nghiên cứu tìm hiểu về bức tranh tổng quát của giới Tử Vi Đài Loan -nơi được coi là cái nôi cuối cùng của Tử Vi thế giới. Hy vọng qua bài viết này mọi người sẽ có được những lựa chọn đúng đắn trên con đường học tập nghiên cứu Tử Vi của mình.
Chiến Nguyễn – Khâm Thiên Tứ Hóa