ĐỜI CA SĨ

Nếu An Giang là một tỉnh biên giới, tấp nập giao thương và sự giao thoa của các nền văn hóa, Đồng Tháp Long An có những cánh rừng tràm bạt ngàn, đồng lúa thẳng cánh cò bay, thì Tiền Giang sẽ là nơi hội tụ khá nhiều thế mạnh so với các địa phương còn lại trong khu vực Tây Nam Bộ. Với địa thế tiếp giáp biển Đông và thành phố Hồ Chí Minh cũng như hệ thống sông Tiền trải dọc suốt chiều dài, Tiền Giang này trở thành điểm trung chuyển quan trọng của cả miền Tây Nam Bộ cũng như trung tâm văn hóa chính trị của cả đồng bằng sông Cửu Long.
Địa điểm khảo sát khu trồng sả của công ty nằm tại huyện Tân Phú Đông, nơi một mặt giáp biển Đông, hai bên còn lại kẹp giữa dòng Cửa Tiểu và Mỹ Tho. Thổ nhưỡng ở đây khá đang dạng, gồm cả nhóm đất phù sa và đất nhiễm mặn, phù hợp với việc nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản và trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, thời gian gần đây do tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nguồn nước ngọt, tỉnh đã dần chuyển đổi cơ cấu vùng sang mô hình trồng sả và thu được những kết quả hết sức khả quan. Chuyến đi khảo sát lần này cũng là một minh chứng cho hiệu quả trồng sả trên đất nhiễm mặn của vùng cù lao cửa biển.
Do đã thông báo lịch trình với bên văn phòng huyện nên buổi sáng nay đoàn công tác đã đi thẳng ra những cánh đồng sả bà con đang canh tác để thực nghiệm và khảo sát. Đúng 8h sáng, tất cả mọi người đã có mặt tại ruộng, mỗi người được phát một đôi ủng, một chiếc nón lá để đi xuống ruộng sả.
Tuy mấy người học trò được theo chân Ngộ Trí lão sư từ Nam chí Bắc, trèo đèo lội suối, lên rừng xuống biển, nhưng cái cảm giác đứng trên những cánh đồng bất tận của miền quê nam bộ thật khó có thể diễn tả bằng lời. Vùng đất này quả thực không sai với câu “thẳng cánh cò bay”, những bụi sả cao tới nửa thân người, khỏe khoắn xòe ra như những bông pháo hoa xanh mởn, trải dài đến hàng cây số. Xa tít phía hàng bạch đàn phía cuối ruộng là căn nhà chòi cấp bốn nơi mọi người tập trung sả đã thu hoạch rồi gom thành từng bó lớn.
Nhìn mấy người nông dân đang miệt mài cắt từng bụi sả rồi bỏ lên xe đẩy một cách chăm chỉ cần mẫn, Minh vỗ vai Cẩn rồi hỏi:

– Nhìn kia ông có nhớ hồi nhỏ không, chắc trên đó cũng toàn trồng trọt thôi nhỉ?
Nghe câu hỏi của Minh, Cẩn bỗng dừng lại một chút, chăm chú nhìn những người nông dân hơn, có lẽ cái cảm giác của quê hương lúc này lại ùa về trong tâm trí cậu. Cẩn gật đầu đáp:

– Ừ, hồi nhỏ tôi cũng toàn theo mẹ ra ruộng trồng ngô thôi ông ạ, trên đấy cũng chỉ biết trồng ngô, chả biết làm gì.
Thấy khuôn mặt Cẩn có chút đăm chiêu, đôi mắt hơi đượm buồn, Minh lại vỗ vai an ủi:

– Chắc nhớ ông bà hả? Bao lâu chưa về quê rồi?
Cẩn bứt một chiếc lá sả, vụt vụt vào không trung rồi nói:

– Cũng hơn nửa năm rồi, chắc sau chuyến này tôi chạy về thăm ông bà một chút, xin nghỉ phép vài hôm, sống mãi ở Hà Nội mà vẫn thích không khí ở Lai Châu ông ạ.
Minh mỉm cười đáp:

– Ừ, ông là Kỵ mà, nhưng lại có khí của Khoa nên cũng là người trọng tình cũ thôi. Cứ như tôi mà xem, chỉ thấy cái gì mới, cái gì hay là tíu cả lên, haha.
Cẩn hỏi lại Minh:

– Thế chính ra số tôi cũng may nhỉ, chứ không lại như những cô bác này, suốt ngày cắm mặt vào đồng ruộng. Lộc Quyền Khoa Kỵ gì thì cũng chỉ là làm nông.
Mạnh ở đâu nhảy bổ vào chen ngang câu chuyện:

– Chẳng thế thì sao, ai cũng giống ai có mà chết à. Tùy thời điểm, tùy hoàn cảnh, Trương Phi hồi tam quốc nổi dậy thì được làm tướng quân, chứ như bây giờ mà tính anh hùng, ngang ngược trọng nghĩa khinh tài thì chỉ có mà làm tướng cướp.
Minh nghe Mạnh nói xong, vừa ngạc nhiên, vừa cố tình trêu lại:

– Ô, hôm nay Mạnh thông minh thế nhỉ, học 1 biết 2 đó.
Mạnh bị trêu liền tức khí đáp lại:

– Thì ông có giỏi đằng trời, cho lên Mường Tè ở khéo giờ này vẫn mù chữ, ở đó mà Bắc Phái với Khâm Thiên, haha.
Ba người đang vui vẻ trêu đùa nhau, Ngộ Trí lão sư ở đâu bỗng tiến đến, Mạnh được đà hỏi luôn lão Trí:

– Thầy ơi, mấy bà con ở đây cứ quanh năm làm nông thì biết ai lá số tốt hơn ai hả thầy? Tốt hơn hay xấu hơn há chẳng chung kết quả như nhau.
Ngộ Trí lão sư nghe Mạnh hỏi, không hiểu đầu cuối ra sao, nhưng vẫn trả lời học trò:

– Thì đúng là như vậy, đặt vào một hoàn cảnh lặp đi lặp lại, ai mà chẳng như nhau. Chỉ khi nào có biến cố, có sự thay đổi, khả năng của họ mới bộc lộ ra thôi.
Mạnh nghe xong nhăn nhó nói:

– Thầy nói con không hiểu gì cả.
Ngộ Trí lão sư vẫn có phần mơ hồ, không hiểu việc gì mà tự nhiên mấy người học trò lại đến hỏi mình. Minh thấy vậy liền nhanh trí ra kể lại cuộc đối thoại của ba người, lúc này lão Trí mới hiểu ra, mỉm cười nói:

– Thì đúng rồi, đâu có gì khó, nếu cuộc sống này ai cũng chỉ đơn thuần làm nông canh tác tự sản tự tiêu, đất đai trù phú, khí hậu ôn hòa, thì ai chẳng như ai. Đến khi giao thương phát triển, thứ họ làm ra có giá trị cao, lúc đó mới bắt đầu phân cấp, những khả năng thiên bẩm của họ mới bắt đầu lộ diện, đó là cơ sở của sự hình thành, phân chia xã hội từ xa xưa. Người thông minh có tầm nhìn và quyết tâm thì làm giới vua chúa thống trị, người mưu lược khôn ngoan thì làm giới mưu sĩ, người
dũng mãnh mạnh khỏe thì làm chiến binh, còn những người chăm chỉ, cần cù thì làm những chú ong thợ cần mẫn tại hậu phương sản xuất.
Minh như nghĩ ra điều gì đó mới mẻ liền nói:

– À, nó giống như kiểu các quân cờ trên bàn cờ, mỗi quân cờ biểu trưng cho một nét tính cách đan xen của tứ hóa năm sinh và tự hóa tượng thầy nhỉ? Mỗi con cờ sẽ được phân đúng nhiệm vụ với khả năng của mình.
Ngộ Trí lão sư gật đầu rồi xua tay nói:

– Thôi nhanh nhanh đi lấy mẫu đi, lát còn đi xem quy trình tách tinh dầu để kiểm tra chất lượng thành phẩm như thế nào.
Hai ngày làm việc tại vùng cù lao Tân Phú Đông cho kết quả khá tốt đẹp, lãnh đạo huyện cũng như các hộ nông dân ở đây khá hào hứng khi được ông Trường – trưởng đoàn công tác đảm bảo đầu ra và còn hỗ trợ quy trình canh tác, thu hoạch để cây sả có chất lượng tốt nhất. Do có hơn 1 ngày nghỉ cuối tuần nên mọi người trong đoàn quyết định chọn một điểm du lịch trong tỉnh để nghỉ ngơi, cuối cùng mọi người lựa chọn đến thị trấn Cái Bè để tận hưởng không khí của chợ nổi Cái Bè và miệt vườn sông nước tại đây.
Thị trấn Cái Bè là trung tâm giao thương buôn bán, dịch vụ của huyện, nằm ở phía tây của tỉnh Tiền Giang. Để có thể thưởng thức cái sầm uất nhộn nhịp của sông nước nơi này, mọi người trong đoàn đã dậy từ khá sớm vì khu chợ nổi chỉ họp từ 5 đến 8 giờ sáng. Minh, Mạnh và Cẩn luôn là những người tiên phong dậy sớm dẫn đầu đoàn. Vì khách sạn ở ngay chân cầu Cái Bè nên mọi người chọn đi bộ thay vì đi ô tô, vừa nâng cao sức khỏe, vừa có thể cảm nhận được cái hồn phố thị, sau đó cả đoàn thuê một chiếc thuyền nhỏ để đi tham quan vòng quanh chợ nổi.
Chỉ cần nhắm mắt, hít một hơi thật sâu là có thế thấy không khí trong lành và cảnh sắc miền sông nước vô cùng tuyệt đẹp, trong ánh sáng mặt trời đang dần ló rạng, người dân miền Tây hiền hòa, chân chất buôn bán, cười nói, rộn ràng một vùng trời. Những chiếc thuyền chở đầy sản vật nông phẩm từ mọi miền chông chênh trên sóng nước, tạo nên khung cảnh buổi sớm mai vô cùng nhộn
nhịp. Len lỏi giữa những chiếc thuyền lớn là những ghe xuồng nhỏ bán điểm tâm sáng cho người đi chợ, tuy trên sông nước nhưng mọi người có thể tìm thấy rất nhiều món ăn sáng được bán đa dạng, từ bánh ướt, cháo lòng đến bún giò, bánh canh, bánh mì, hủ tiếu cùng các loại đồ uống và nước trái cây.
Ngộ Trí lão sư đang vui vẻ hỏi chuyện một cô bán cam trên chiếc thuyền bên cạnh thì nghe có tiếng gọi lớn:

– Trí, có phải Trí không?
Lão Trí nghe có ai gọi tên mình, liền quay ra quan sát thì thấy một người đàn ông ăn vận thời khá thời trang, đeo kính râm và đội nón lá đang tươi cười vẫy tay nhìn về phía mình. Lão Trí vẫn đang ngờ ngợ, chưa biết là ai thì ông ta liền bỏ kính và mũ ra, nhoẻn miệng cười nói:

– Trí, quên tôi rồi à?
Ngộ Trí lão sư chưa kịp nói gì thì ông Trường – trưởng đoàn công tác đã thốt lên:

– Ai như ca sĩ Hoàng Bảo thế nhỉ?
Lúc này Ngộ Trí lão sư mới nhận ra người quen cũ, cùng lúc đó người đàn ông kia nói bác lái xuồng ghé sát vào thuyền của đoàn, sau đó vui vẻ nói chuyện với lão Trí.
Sau khi thăm quan một vòng chợ nổi, mọi người cùng lên bờ để di chuyển sang cù lao Tân Phong – nơi có những miệt vườn đầy ắp cây trái. Người đàn ông ban nãy cũng gộp vào đi cùng đoàn, Ngộ Trí lão sư giới thiệu với mọi người đây là bạn cũ của ông – ca sĩ hải ngoại Hoàng Bảo. Có lẽ lớp người trẻ như Minh, Mạnh và Cẩn sẽ không biết Hoàng Bảo, nhưng những thế hệ đi trước như ông Trường hay Ngộ Trí lão sư thì Hoàng Bảo là một trong những ca sĩ rất nổi tiếng, ngang hàng với các tên tuổi hàng đầu,… Giọng ca và những bài hát của ông đã lay động biết bao con tim yêu nhạc trữ tình.
Chiếc phà chầm chậm chở mọi người hướng sang phía cù lao Tân Phong – cồn đất miệt vườn cây trái nằm ngay giữa dòng sông Tiền và chợ nổi Cái Bè. Ngộ Trí lão sư và ca sĩ Hoàng Bảo ngồi trên phía đầu phà, chỉ cách ba người Minh Mạnh và Cẩn vài mét, nhưng tiếng động cơ phà cùng những cơn gió lộng của dòng sông thổi đến đã làm át đi câu chuyện của hai người. Mạnh quay sang hỏi Minh:

– Ê Minh, ca sĩ thì dụng thần của họ là gì?
Minh nghĩ một lúc rồi nói:

– Là Khoa?
Mạnh lại hỏi tiếp:

– Sao ông biết?
Minh cười nhăn nhở nói:

– Thì tôi đoán thôi, Khoa chủ về người, về tình, cũng chủ văn hóa giải trí nghệ thuật còn gì?
Cẩn nghe vậy liền nói:

– Mấy người ca sĩ tình duyên lận đận, thay người yêu như thay áo, sao lại chủ về tình nhỉ?
Mạnh cũng đồng tình, nói thêm vào:

– Cẩn nói đúng đó, tình gì mà lại như thế?
Minh cũng có vẻ băn khoăn, nhưng đành nói đại:

– Thì có phải ai cũng thế đâu, thôi để tí đi hỏi thầy là biết.
Cẩn lại nói:

– Mấy hôm nay tôi thấy mình hỏi thầy nhiều quá, lúc nào cũng hỏi, không biết thầy có khó chịu không nhỉ?
Mạnh nghe vậy, cười lớn rồi vỗ vai Cẩn:

– Haha, ai không hỏi người đấy thiệt, mấy hôm nữa thầy mà đi công tác hay biến mất một thời gian, ông cứ ở đấy mà nghĩ.
Ngay khi đặt chân lên cù lao, mọi người đều lập tức cảm nhận được không gian xanh mát của những vườn cây sum sê trải dài bao bọc khắp cồn đất. Cảm giác của bất kỳ ai bây giờ đều như bước vào một thế giới khác so với nếp sống thành thị náo nhiệt ồn ào. Từng bước chân của đoàn khách du lịch như đi lạc vào một thế giới đỏ rực của màu chôm chôm chính vụ. Dọc theo con đường đá rộng chừng 1m để dẫn vào trung tâm xã, Minh dễ dàng ngửi thấy hương nhãn chín thoảng bay trong gió, xen lẫn là những quả mít trĩu nặng đeo đầy thân cây, những mái nhà ẩn hiện trong vườn cây rậm rạp, những con rạch nhỏ hiền hòa vắt ngang qua giữa lòng cù lao. Khi vào trong vườn trái, mọi người được thỏa thích vào vườn để tự tay bẻ, hái những loại trái cây mình yêu thích rồi ăn luôn dưới những tán cây tỏa bóng.
Do có việc phải lên Sài Gòn nên ca sĩ Hoàng Bảo và con trai không thể dùng cơm trưa với đoàn, đành phải tạm biệt mọi người và người bạn cũ của mình. Ngộ Trí lão sư đang nếm thử món ốc gạo Tân Phong trong bữa cơm trưa thì Mạnh quay sang hỏi:

– Thầy ơi, bọn con xin lỗi thầy ạ.
Ngộ Trí lão sư ngạc nhiên, nhìn Mạnh rồi hỏi:

– Sao thế, làm điều gì có lỗi với ta à?
Mạnh nhoẻn miệng cười rồi đáp:

– Không ạ, bọn con không bao giờ làm gì có lỗi với thầy. Chỉ là bọn con xin lỗi thầy vì chuyến đi lần này hỏi thầy nhiều quá, chắc thầy mệt lắm thầy nhỉ?
Ngộ Trí lão sư đang cầm cốc nước trên tay mà suýt phì cười vì mấy đứa học trò lém lỉnh. Lão Trí liền nói:

– Mệt nhưng vẫn trả lời được, thôi hỏi gì thì hỏi đi, không lát lại ra phá ta nghỉ ngơi.
Mạnh liền gãi đầu cười hì hì rồi nói:

– Bác ca sĩ vừa nãy thì dụng thần là gì hả thầy? Chắc người làm nghệ thuật, dụng thần hay là Khoa thầy nhỉ?
Ngộ Trí lão sư lập tức hiểu ý tứ mấy cậu học trò, ông liền nói:

– Đây, ngày giờ đây, tự xem đi sẽ rõ.
Minh bên cạnh đã chuẩn bị từ trước, chỉ chờ Ngộ Trí lão sư đọc lá số là ghi thông tin vào điện thoại. Chưa đầy nửa phút sau, lá số của ca sĩ Hoàng Bảo đã hiện lên, cả ba đều ồ lên ngạc nhiên, Mạnh nói:

– Ồ, lạ nhỉ, không phải Khoa rồi.

Ở bên cạnh, giọng Ngộ Trí lão sư vang lên:

– Sao, có gì mà ngạc nhiên. Tại sao mấy đứa lại áp đặt như vậy trong Tử Vi được cơ chứ, chả lẽ người dụng thần là Lộc lại không thể làm về văn hóa nghệ thuật, người dụng thần là Khoa lại không thể vô tình được sao?
Cẩn quay ra hỏi ngay:

– Bác ấy dụng thần là gì hả thầy?
Ngộ Trí lão sư cười đáp:

– Giờ coi ta là lão đi. Mấy đứa làm thế nào để biết dụng thần của đương số? Nói đi, ta sẽ trả lời?
Câu nói của Ngộ Trí lão sư lập tức khiến cả ba người Minh, Mạnh và Cẩn bối rối. Từ trước đến nay, ba người vẫn được thầy mình chỉ ra cho đáp án trước, rồi dụng thần của đương số, sau đó từ những thông tin mà lắp ghép vào để có thể nhìn nhận ra vấn đề của các mạch khí tượng, của các vấn đề nhân sự vật trong lá số biến đổi, chứ chưa bao giờ phải tự đi phân tích từ những bước đầu tiên.
Thấy không ai nói gì, Ngộ Trí lão sư liền tiếp tục:

– Các con thấy đó, nhìn một lá số, nghe ta nói, nghe ta giảng giải thì có vẻ đơn giản, mọi chuyện bày ra trước mắt, thế nhưng khi tự mình giải quyết một vấn đề, một lá số hoàn chỉnh thì mọi việc lại không hề đơn giản. Nói ta nghe, đầu tiên phải bắt đầu từ đâu?
Mạnh liền nói:

– Phải bắt đầu từ nam nữ nhân tinh thầy ạ.
Ngộ Trí lão sư gật đầu:

– Vậy trong lá số này, đâu có thể là dụng thần của đương số?
Cẩn liền trả lời:

– Chỉ có thể là Thiên Cơ Lộc tại Phụ Mẫu hoặc Thiên Lương Quyền tại Tử Tức thầy ạ.
Ngộ Trí lão sư tiếp tục gật đầu:

– Vậy tiếp theo là gì?
Mạnh ở cạnh cũng nói theo:

– Là phải xem tính cách của đương số giống với tính chất của Lộc hay Quyền ạ
Ngộ Trí lão sư nhìn Mạnh rồi lại hỏi:

– Vậy con xem thử ta xem? Xem thế nào?
Mạnh lại trả lời:

– Lộc là chỉ những người vui vẻ, rộng duyên, cởi mở, thích những cái mới, không để tâm chuyện cũ, còn Quyền lại là những người tính cách khá nóng nảy, nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, có chuyên môn giỏi.
Ngộ Trí lão sư xác nhận:

– Không sai, vậy đương số dụnggì?
Mạnh suy nghĩ về hình ảnh của ca sĩ Hoàng Bảo lúc gặp mọi người rồi trả lời:

– Con thấy bác ấy cũng vui vẻ, lại nhanh nhẹn, hay cười với mọi người, thế chắc là Lộc rồi thầy ạ.
Ngộ Trí lão sư cười đáp:

– Quyền cũng nhanh nhẹn, hoạt bát chứ, họ cũng vui vẻ, chỉ có nóng tính tùy hoàn cảnh thôi, đi chơi náo nhiệt, ai mà lại nóng nảy cho được. Câu trả lời của con, ta thấy chưa thuyết phục.
Mạnh bị Ngộ Trí lão sư vặn lại, không nói được gì, cậu đành chống chế:

– Thế chả lẽ phải quan sát họ mọi lúc mọi nơi, trong mọi tình huống hả thầy?
Ngộ Trí lão sư lắc đầu rồi nói:

– Dụng thần là thứ ẩn sâu trong mỗi con người, chỉ có họ là hiểu họ nhất, không có cách nào biết được ngoài cách quan sát họ từ nhiều góc độ và hỏi họ những thông tin cần thiết để xác định. Chính vì thế nên phải lấy thật nhiều thông tin, đừng có nghĩ Tử Vi Đẩu Số là cái gì đó thần kỳ, rồi những người thầy Tử Vi như thần tiên, lúc nào cũng cho mình cao cao tại thượng, chỉ cần cầm lá số trên tay là có thể đọc vanh vách cuộc đời, sự nghiệp, tình duyên, tiền bạc của đương số, điều đó quả là hồ đồ.
Minh ở cạnh, cũng xen vào hỏi:

– Con còn thấy người ta bảo Tử Vi phải kết hợp với xem nhân tướng nữa mới chuẩn, có đúng thế không hả thầy?
Ngộ Trí lão sư cười đáp:

– Nhân tướng cũng là một trong những môn ngũ thuật cổ đại, nó cũng có cái ứng dụng của riêng nó. Các môn phái khác ta tạm không bàn đến, cũng không nên đánh giá, nhưng các con nên nhớ, bất kỳ
một môn phái nào nếu tự nó không thể xử lý một vấn đề nhất định, thì chắc chắn nó không phải là một hệ thống hoàn chỉnh. Khâm Thiên Tứ Hóa, Hà Lạc Bắc Phái là một hệ thống luận vận mệnh hoàn chỉnh, có thể giải quyết được các vấn đề về vận hạn cũng như luận mệnh của một bàn cục lá số, vì vậy nó không cần phải kết hợp với bất kỳ một môn nào khác.
Mạnh vẫn chưa có được câu trả lời, nên tiếp tục hỏi:

– Thế nếu thầy là bác ấy, thì bác ấy thấy mình như thế nào ạ?
Ngộ Trí lão sư cười rồi đáp:

– Ta là lão Hoàng Bảo hả, thì ta vui vẻ, thông minh, cởi mở. Haha.
Mạnh vỗ đùi một cái rồi tươi cười nói:

– Đấy, con đoán đúng mà, biết ngay là Lộc, nhưng mà biết làm sao họ là ca sĩ hả thầy?
Ngộ Trí lão sư đáp:

– Phúc Đức, Huynh Đệ và Phu Thê xuyến liên, đây là ba cung vị liên quan đến công việc, chúng sinh và tinh thần hưởng thụ, lại liên quan trực tiếp đến dụng thần, nên họ làm về ca sĩ, giới nghệ thuật được khán giả biết đến cũng không có gì lạ. Đó cũng là một cơ sở để tìm dụng thần của họ, còn nếu dụng Quyền, có lẽ họ khó có thể làm về nghệ thuật, vì đơn giản là dòng khí không dẫn đến đó.
Minh nghe Ngộ Trí lão sư liền hỏi tiếp:

– Cuộc đời bác ấy có gì đặc biệt không hả thầy?
Ngộ Trí lão sư nghĩ một lúc những gì đã xảy ra trong quá khứ rồi trả lời:

– Cũng không có thay đổi hay biến cố gì quá lớn. Chỉ là nghĩ lại, ta thấy cuộc sống của lão ta diễn ra theo đúng vận khí của Quyền Khoa, tuy dụng thần là Lộc nhưng lại đi theo con đường công danh hành tựu. Ta nhớ có lần lão hỏi ta về việc đầu tư đất cát, lúc đó lão ta đang vào thời không của sự phát triển, danh tiếng vang khắp gần xa, ra liên tiếp mấy album nhạc vàng, đi lưu diễn các nơi, nên muốn thừa thắng muốn xông lên. Ta thì lại khuyên chỉ nên tập trung vào sự nghiệp, dính đến đầu tư thì chỉ có đổ sông đổ bể.
Mạnh vốn tính nóng nảy hấp tấp, không chờ được khuôn giọng lúc nào cũng thư thả nhẹ nhàng của thầy mình, cậu ta liền hỏi:

– Thế xong rồi sao hả thầy, bác ấy có thua không ạ?
Ngộ Trí lão sư mỉm cười đáp:

– Mấy đứa tự nhìn cũng thấy mà, phi cung cũng bị tụ tập hóa Kỵtới xung phá, tự hóa lại càng xấu, cuối cùng qua mấy lần đầu tư thất bại, lão ta lại chuyên tâm ca hát, bây giờ nhìn lại cũng có thể nói là không tệ, năm nào lão cũng gọi điện về đây chúc tết ta, không khỏi cám ơn mối ân tình thời xưa, haha.
Cẩn đợi Ngộ Trí lão sư nói xong một lúc mới hỏi:

– Thế có ai thầy giúp mà vẫn không tránh được vận hạn xấu không hả thầy?
Ngộ Trí lão sư gật đầu nói ngay:

– Có chứ, nhiều là khác, nhưng lý do phần nhiều là do họ không tin, hoặc đơn giản là tâm ý họ lúc đó quá mạnh, cứ lao vào vòng xoáy mà không có lối ra. Nó cũng là một loại năng lượng của tự hóa, nhìn thấy mà khó giúp, biết trước mà khó tránh.

Bữa ăn trưa của mọi người kết thúc bằng một giấc ngủ ngon lành trên những chiếc võng đong đưa theo điệu lý nam bộ, thi thoảng là tiếng xào xạc của vườn trái cùng cơn gió hiền hòa thổi tới từ con rạch uốn lượn. Mạnh và Minh thì đã ngủ say từ bao giờ, chỉ còn mỗi Cẩn là vẫn thao thức, cậu vắt tay lên trán, vừa ngắm nhìn không gian yên tĩnh của buổi trưa miệt vườn, vừa suy nghĩ về những lời nói của Ngộ Trí lão sư, về dụng thần, về tự hóa, về những mạch khí đan xen nhằng nhịt như ma trận. Cẩn tự biết những người dụng thần hóa Kỵ như cậu sẽ không có sự thông minh và sáng dạ như Minh và Mạnh, nhưng cậu tin vào lời thầy nói, cũng tin vào sự cố gắng trau dồi của bản thân. Ngộ Trí lão sư nói rằng: “Người có dụng Kỵ, chỉ cần cần mẫn đi theo một con đường, chọn đúng con đường cho mình, góp gió thành bão, tích tiểu thành đại, nhất định sẽ có thành tựu, bởi người dụng Kỵ thường có sự cần mẫn chăm chỉ kiên trì mà các dụng khác khó có được. Cần cù bù thông minh chính là như thế đó”.

Trả lời