Trước khi đến thành phố Châu Đốc để nắm bắt tình hình giao thương dược liệu tại biên giới, đoàn công tác sẽ tới hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên để tham quan một số mô hình trồng dược liệu ở vùng bảy núi và khảo sát khu công nghiệp Xuân Tô theo lời giới thiệu của ông Sang.
Tuy nằm trong đồng bằng sông Cửu Long nhưng An Giang là một tỉnh có diện tích đồi núi nhiều nhất so với các tỉnh còn lại của vùng. Vùng Thất Sơn – Bảy Núi thật ra không chỉ có 7 ngọn núi mà là một
vùng nhô cao 37 ngọn núi giữa mênh mông đồng bằng phẳng lặng phù sa của sông Cửu Long. Trong số 37 núi có 7 ngọn được coi là “bửu sơn” – non thiêng của trời đất. Với điều kiện khí hậu đặc trưng thuận lợi cho việc phát triển hệ thực vật, An Giang có gần 815 loài thực vật, trong đó các cây dược liệu vùng Bảy Núi An Giang có tới 680 loài với những loài đặc trưng như: trinh nữ hoàng cung, xuyên tâm liên, râu mèo. kim tiền thảo, bí kỳ nam, ngải tượng, ngải móng trâu,…
Hai ngày làm việc khá khẩn trương đã trôi qua, Ngộ Trí lão sư cùng mọi người trong đoàn tiếp tục di chuyển đến Châu Đốc, nơi được mệnh danh là thủ phủ giao thương của vùng tứ giác Long Xuyên.
Khác với những huyện thành khác trong tỉnh, thành phố vùng biên này làm cho mọi người, đặc biệt là khách du lịch khá bất ngờ với sự sôi động của nó. Ngồi trên xe, mọi người được cảm nhận cảnh buôn bán sầm uất dọc hai bên quốc lộ 91, Minh dường như nghĩ ra điều gì, quay lại hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Thầy ơi, sao mỗi người có một vận hạn, mà con thấy nhiều gia đình hay dòng họ, nhất là người Trung Quốc, họ lại có thể kinh doanh liên tục mấy đời thế hả thầy, sao lại trùng hợp vậy nhỉ?
Lão Trí mỉm cười đáp:
– Phàm vạn vật trong vũ trụ, muốn tồn tại được đều cần phải có khí lực. Mà khí thì có thịnh có suy, người có vận người, nước có vận nước, gia tộc cũng có vận của gia tộc.
Mạnh nghe xong, liền hỏi chen vào:
– Thế vận gia tộc xem được bằng Tử Vi không hả thầy?
Ngộ Trí lão sư mỉm cười, đang định cất tiếng giải thích thì người tài xế cất tiếng hỏi:
– Đến chợ Nhà Bảng rồi, ở đoạn nào bác nhỉ?
Ngộ Trí lão sư thấy vậy, liền ra hiệu cho tài xế đi chậm lại, lấy điện thoại ra gọi cho Bẩy, người em của lão Trí đang sống tại Châu Đốc. Điện thoại reo lên, một chiếc xe con 4 chỗ phía trước lập tức nháy đèn cảnh báo rồi đi trước, ra hiệu cho xe của Ngộ Trí lão sư theo sau.
Đi được khoảng 200m, hai chiếc xe ghé vào một bãi đỗ khá rộng rãi, bước xuống xe là một người đàn ông tầm 50 tuổi, da ngăm đen, khỏe mạnh, ăn mặc đúng chất nam bộ. Ông vui vẻ bước nhanh tới chiếc xe của đoàn công tác. Thấy Ngộ Trí lão sư bước xuống, ông ta tay bắt mặt mừng nói lớn:
– Mấy năm rồi mới ghé vào An Giang thăm em đó!
Ngộ Trí lão sư mỉm cười, vỗ vai ông Bẩy hỏi thăm sức khỏe rồi giới thiệu mọi người với nhau để làm quen. Kết thúc màn chào hỏi, mọi người được dẫn đi tham quan quanh khu chợ Nhà Bảng, sau đó được ông Bẩy dẫn vào một số tiệm thuốc lớn ngay mặt đường Trà Sư – thủ phủ của các loại thảo dược, dược liệu núi rừng. Theo lời kể của ông Bẩy, ngày trước người bán thuốc núi không cân ký như hiện nay. Thuốc được bó thành từng lọn và bán giá rất rẻ vì dễ tìm. Tuy nhiên, các loại thuốc núi đã giảm dần số lượng theo thời gian nên giá cả cao hơn trước, nhiều vị thuốc quý hầu như vắng bóng tại vùng Bảy Núi. Hiện nay, nguồn thuốc núi chủ yếu xuất phát từ Campuchia, người dân bên đó thường hay mang sang bán, họ cũng là những gia đình làm thuốc núi theo kiểu cha truyền con nối. Ngoài nguồn thuốc từ Campuchia, phố thuốc núi Nhà Bảng còn là nơi tập kết các loại thảo dược từ xứ hòn Hà Tiên, Phú Quốc hay những vị thuốc bắc từ Hồ Chí Minh, Tây Ninh,… như: dứa gai, bí kỳ nam, đương quy, xuyên khung, bạch chỉ, đản sanh, ngô tất… Mỗi khi tới mùa du lịch tới, nơi này lại
trở nên tấp nập, nhiều đoàn khách hành hương ghé lại tìm mua các loại thảo dược tạo nên không khí rất nhộn nhịp. Đi một hồi, Ngộ Trí lão sư quay ra hỏi vui ông Bẩy:
– Đủ kiểu thế này, có khi nào mua phải thuốc giống bên Ngọc Lâm Quảng Tây không chú?
Ông Bẩy nghe xong, cười ngặt nghẽo rồi nói:
– Haha, có chứ anh, nhưng đấy là kiểu buôn bán dọc đường thôi, mà tiền nào của nấy, ở đây các tiệm lâu đời đều uy tín lắm. Anh cứ đi với em, ai dám lừa anh, haha.
Tham quan khu chợ thuốc Trà Sư một hồi, ông Bẩy lại dẫn mọi người tiếp tục qua chợ của khẩu Tịnh Biên. Được chứng kiến cảnh người mua kẻ bán tấp nập, ai đấy đều vui vẻ cởi mở, Cẩn liền nói với Mạnh:
– Chắc mấy người này có khí của hóa Lộc hết ông nhỉ, ai tôi cũng thấy vui vẻ.
Mạnh cười ha hả rồi nói:
– Ông máy móc thế, đó đơn giản là phần địa và nhân thôi. Địa là nơi buôn bán cạnh tranh, không cởi mở đon đả thì sao bán được hàng, Nhân là phần tâm ý của con người, ai cũng đều biết phải cố gắng niềm nở, chọn vị trí tốt, bầy biện hàng hóa bắt mắt để thu hút khách hàng.
Cẩn lại hỏi tiếp:
– Nhưng vẫn có người đắt hàng, khách vào nườm nượp, người thì lại ế hàng, ít khách đó còn gì.
Mạnh lại đáp:
– Cái đó ông nói thì mới chính là cái lộc buôn bán của từng người. Có phải ai cũng có duyên buôn bán đâu, có người không có duyên, kinh doanh một thời gian ít khách, thua lỗ tự khắc họ bị đào thải thôi.
Ở đây cũng là một nơi vốn được sàng lọc tự nhiên rồi, đều là những người có duyên có vận buôn bán kinh doanh, mới trụ lại được.
Cẩn nghe Mạnh đối đáp vô cùng hợp lý, cũng thấy xuôi xuôi, nhưng rồi lại hỏi tiếp một câu nữa:
– Thế làm thế nào để biết những người kinh doanh mà người ta kinh doanh chộp giật, kiểu treo đầu dê bán thịt chó nhỉ?
Câu hỏi hóc búa này làm Mạnh khó trả lời, cậu ta gãi đầu, miệng nói lẩm nhẩm:
– Ờ cái này thì…thì…
Minh nghe vậy, cười rồi bảo:
– Thì đi hỏi thầy chứ còn sao nữa?
Mạnh thấy vậy, đi nhanh lên mấy bước phía trên, nơi Ngộ Trí lão sư đang đi cạnh ông Bẩy rồi hỏi:
– Thầy, mấy người kinh doanh mà đạo đức kém, hay buôn bán gian dối thì có biểu hiện gì trong lá số không ạ?
Ngộ Trí lão sư nghe vậy liền cười rồi nói:
– Thì là người đạo đức kém đó, haha.
Minh nghe vậy, nhăn mặt ra vẻ nài nỉ:
– Không, ý bọn con là lý do vì sao trong lá số cơ ạ!
Lão Trí đang định tính cách từ chối thì nhìn thấy ba khuôn mặt háo hức của học trò, ông lại chẹp miệng nói:
– Không tha cho ta được sao, haha. Thật ra câu hỏi này tưởng là dễ nhưng không hề đơn giản, vì nó bị ảnh hưởng và trộn lẫn của khí tiên thiên và hậu thiên. Tiên thiên chính là chỉnh thể kết cấu mạch khí trong lá số, hậu thiện chính là môi trường sống tác động lên tiên thiên, ví dụ người sống trong môi trường xấu sẽ ảnh hưởng bởi những thói xấu của những người xung quanh mà hình thành nên tính cách của bản thân mình. Cho nên mới nói môi trường sống quyết định sẽ nuôi dưỡng ra đứa trẻ như thế nào.Tất nhiên có những đứa trẻ dù sống trong môi trường xấu nhưng vẫn có bản tính tốt, những trường hợp đó đòi hỏi lá số phải có kết cấu tốt, khí không bị phá và bản lĩnh của đương số, cái này thì không phải ai cũng giống nhau và không phải ai cũng làm được. Phụ thuộc vào phần nhận thức và giác ngộ của đương số rất nhiều.
Cẩn nghe xong liền hỏi:
– Vậy nếu tiên thiên thì sao hả thầy?
Ngộ Trí lão sư đáp:
– Các con cần hiểu đây cũng là một loại mâu thuẫn về mạch khí, giống như những con người bị mâu thuẫn nội tâm, họ sẽ luôn đấu tranh giữa tư tưởng trong bản thể của họ, chính là sự đấu tranh của
Mệnh Phúc Tật tam vị nhất thể. Còn việc làm ăn gian dối chính là sự đấu tranh giữa một bên là nhân, một bên là sự vật. Bản tâm là nhân, tiền bạc là vật, nếu hai dòng khí này ngược nhau, họ có thể dùng các thủ đoạn gian dối để kiếm tiền, thậm chí bất chấp thể diện để kiếm tiền. Đương nhiên cần phải nhớ đây chỉ là có thể, bởi vì có những người sẽ không chọn tiền bạc mà chọn danh tiếng, chọn uy tín.
Mạnh nghe vậy tấm tắc khen:
– Khí trong Bắc Phái quả thật thú vị, nếu bọn con chăm chỉ suy nghĩ sẽ hiểu ra nhiều điều.
Ngộ Trí lão sư chưa kịp gật đầu thì Mạnh lại hỏi tiếp:
– Liệu đấy có gọi là mấy người sĩ diện hão không hả thầy?
Câu hỏi của Mạnh suýt làm lão Trí phì cười, ông nói:
– Không phải, người sĩ diện thường là người thích phô trương bản thân ra bên ngoài. Mỗi một kiểu người có dụng thần khác nhau lại có kiểu phô trương khác nhau. Người khoe mẽ đến chói mắt, người thì âm thầm nhưng cố ý để người khác phải quan sát mình, chính là tùy theo dụng thần định vị tại từng cung chức của họ.
Giảng giải một hồi, lão Trí và mọi người đã quay trở lại cổng chính của chợ Tịnh Biên. Ông Bẩy lại tiếp tục đưa mọi người đi tham quan miếu bà chúa Xứ trước khi về nhà ông ở thành phố Châu Đốc dùng bữa.
Nhà ông Bẩy là một ngôi nhà vườn khá có gu nằm trên con đường ven kênh. Với giọng nói hào sảng, vốn kiến thức rộng và quen biết nhiều công ty lớn trong vùng, nghe cách nói chuyện của ông Bẩy, nếu ai không biết ông, có lẽ sẽ nghĩ ngay ông cũng là một vị chủ tịch tầm cỡ như ông Sang ở dưới Long Xuyên. Tuy nhiên, ba người học trò của Ngộ Trí lão sư khá bất ngờ khi ông Bẩy chỉ là một người buôn bán đồ gia dụng Nhật, loại hàng được đánh từ bên biên giới Campuchia về, mà mọi người vẫn hay gọi là hàng Nhật bãi. Các mặt hàng thì đủ loại, từ tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, lọc không khí,… cho đến máy khoan, máy mài. An Giang chính là thiên đường của hàng bãi Nhật, các sản phẩm sẽ từ đây phân phối đi khắp cả nước.
Sau bữa cơm trưa, ông Bẩy tạm biệt Ngộ Trí lão sư và mọi người vì phải đi nhận một lô hàng sắp đến.
Trên đường tới chợ Châu Đốc, Minh tò mò hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Chú Bẩy còn kinh doanh gì nữa không hả thầy, con thấy nom như kiểu đại gia ấy nhỉ, nhưng cảm tưởng chú ấy cứ có cái gì đó là lạ.
Ngộ Trí lão sư nghe Minh nói vậy, liền hỏi lại:
– Thấy có cái gì lạ?
Minh bèn đáp:
– Tuy hào sảng rộng rãi nhưng như kiểu cứ bị gò bó, cảm giác như kiểu muốn thể hiện ấy ạ.
Ngộ Trí lão sư gật đầu nói:
– Tinh ý đó, lão Bẩy này cũng là một dạng bất đắc chí, nếu gọi là muốn thể diện cũng không sai, giống như chuyện mấy đứa hỏi ta lúc ở chợ Tịnh Biên đó.
Mạnh nghe vậy, mắt sáng lên nói với Ngộ Trí lão sư:
– Thầy cho bọn con xin lá số với ạ
Lão Trí nghe xong, vừa lắc đầu, vừa tủm tỉm cười:
– Đám tiểu tử, thôi đi tham quan chợ xong rồi ta đọc cho.
Dạo quanh một vòng Châu Đốc, mọi người như bị cuốn hút bởi cảnh sông nước êm đềm, những dòng chảy dịu dàng của dòng sông Hậu, những con thuyền nhỏ chạy dọc theo bờ sông rợp bóng cây, tạo nên một bức tranh thơ mộng và hòa quyện với thiên nhiên. Bên cạnh đó, những cánh đồng lúa bạt ngàn trải dài vô tận càng làm cho Châu Đốc trở nên ấn tượng và đẹp đẽ. Không chỉ đẹp về cảnh quan tự nhiên, Châu Đốc còn chứa đựng một kho báu của di tích lịch sử và văn hóa khi nơi đây là vùng đất mang trong mình sự giao thoa của nhiều cộng đồng dân tộc khác nhau, tiêu biểu là người Chăm với văn hóa Óc Eo hàng ngàn năm, cùng người Hoa, người Khmer, người Việt,… tạo nên
một cộng đồng dân cư đa dạng.
Không chỉ là một nơi buôn bán nổi tiếng của người dân địa phương, chợ Châu Đốc còn là điểm tham quan được mọi người từ khắp các tỉnh, thành yêu thích. Với nét kiến trúc Đông dương vàng son một
thời, chợ Châu Đốc ngày nay vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp cổ kính, xưa cũ, không hề bị hiện đại hóa, những bảng hiệu vẽ tay đầy nghệ thuật ở các sạp hàng nhỏ lẻ đến tận bây giờ vẫn còn giữ nguyên.
Điều choáng ngợp nhất với ba cậu học trò của Ngộ Trí lão sư có lẽ chính là vương quốc mắm trong chợ. Từ đầu chợ có thể ngửi thấy mùi hương thoang thoảng đặc trưng của hàng trăm gian bán mắm được bày trí sẵn trong các thau và ụ mắm khổng lồ rất hấp dẫn. Mắm Châu Đốc là một trong những món có cách chế biến cầu kỳ nhất An Giang. Từng công đoạn làm sặc, ướp muối, ủ và chao mắm đều được làm thủ công và cực kỳ tỉ mỉ. Có 2 cách chính để ăn mắm đó là ăn sống và nấu lên, ngoài ra mắm còn được chế biến thành những món ăn phổ biến khác như mắm kho, lẩu mắm hay bún mắm.
Ghé vào khu ẩm thực trong chợ, Ngộ Trí lão sư cùng mọi người gọi đủ các loại món ăn đặc sản để thỏa mãn trí tò mò. Người thì bún cá, người thì bánh bò thốt nốt, người lại xôi xiêm, cháo bò,… Đợi Ngộ Trí lão sư ăn xong, Minh nhanh tay lấy cốc nước thốt nốt cho thầy uống rồi hỏi luôn:
– Con mời thầy, lát thầy cho bọn con xin lá số chú Bẩy thầy nhé. Biết là không thoát được mấy cậu học trò tò mò, lão Trí liền đọc thông tin ngày sinh của ông Bẩy, sau đó mới yên tâm ngồi uống nước và quan sát nhịp sống của mọi người trong chợ.
Một lát sau, Mạnh bắt đầu hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Chú Bẩy chắc dụng Tham Lang Quyền hả thầy?
Ngộ Trí lão sư gật đầu xác nhận, có vẻ đây là một kết cấu lá số không hề dễ. Cả ba người Minh, Mạnh và Cẩn đều suy nghĩ mãi không dứt. Cẩn vẫn như mọi khi, rụt rè hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Người này nếu dụng Quyền chắc cuộc đời biến động lắm hả thầy?
Ngộ Trí lão sư không nói gì, chỉ tiếp túc gật đầu. Mạnh lại hỏi:
– Chú Bẩy này tam hào biến Quyền tượng ở Phụ Mẫu, Phúc Đức, Điền Trạch. Chắc là không hợp cha mẹ với người nhà thầy nhỉ?
Ngộ Trí lão sư nhìn Mạnh, lắc đầu không nói gì. Cả ba người học trò nhìn nhau ngỡ ngàng. Minh hỏi tiếp:
– Ơ, chả phải thầy dạy bọn con 3 cung vị liên tiếp nhau có hiện tượng phản ngược của dòng khí đồng loại, sẽ dẫn đến hiện tượng đảo lộn gọi là tam hào biến. Ở đây Phụ Mẫu, Phúc Đức, Điền Trạch cung,
một cung ở giữa tự hóa ly tâm Quyền, hai cung ngoài cùng tự hóa hướng tâm Quyền, tất tạo thành một kết cấu tam hào biến Quyền tượng, làm cho dòng khí bị đảo lộn, gây nên sự xung khắc giữa các
tuyến.
Ngộ Trí lão sư gật đầu mỉm cười để xác nhận, đồng thời chậm rãi nói:
– Đúng là vậy, nhưng người này lại quan tâm cha mẹ và gia đình.
Một lần nữa ba người học trò nhìn nhau, Cẩn hỏi tiếp:
-Vậy vì sao chú Bẩy lại bất đắc chí hả thầy, thầy có thể kể cho bọn
con một chút thông tin không ạ?
Lúc này, Ngộ Trí lão sư mới bắt đầu thuật lại câu chuyện cuộc đời người em mình cho ba người học trò nghe. Ông Bẩy vốn là một người thông minh, học giỏi và nhanh nhẹn. Ở cái thời của ông, khi người dân An Giang chỉ biết nuôi trồng thủy sản, canh tác trên đồng lúa thì ông Bẩy đã quyết tâm học hành để lên Sài Gòn học đại học. Câu chuyện và ước mơ của ông được mọi người xem như chuyện hoang đường lúc đó, nhưng rồi câu chuyện cổ tích cũng xẩy ra. Học hết cấp 3, ông Bẩy thi đỗ đại học kinh tế Hồ Chí Minh, sau đó lên Sài Gòn một mình bươn chải, vừa học vừa làm.
Thành quả cho 4 năm học miệt mài, cộng với sự thông minh sáng dạ vốn có, ông Bẩy đỗ thủ khoa quản trị kinh doanh. Tấm bằng đỏ chót cùng với nhiều lời gọi mọi đi làm của những công ty lớn thời đó không hấp dẫn ông bằng việc tự ra xã hội để chinh phục biển lớn. Sau khi làm ở một vài công ty nước ngoài trong vài năm, ông Bẩy quyết định ra ngoài tự khởi nghiệp, mở công ty và làm ăn cùng bạn bè. Các lĩnh vực ông và bạn bè làm khá đa dạng, từ xuất nhập khẩu, kinh doanh thương mại cho tới đầu tư bất động sản.
Thế nhưng mọi việc không còn dễ dàng và thuận lợi như lúc ông đi học, công việc kinh doanh dần dần lụi bại, công ty thua lỗ, mua đất thì bị lừa, bạn bè tan đàn xẻ nghé. Trong lúc ông khốn cùng nhất, chán nản nhất thì cuộc gặp định mệnh với Ngộ Trí lão sư tại một quán cà phê bệt trên đường Nguyễn Huệ đã làm thay đổi cuộc đời ông. Với sự nhạy cảm của bản thân, lão Trí đã phát hiện ra tình trạng u uất của ông Bẩy và giúp ông trấn tĩnh lại và hiểu ra vấn đề mình gặp phải. Mất khoảng nửa năm sau, ông Bẩy cùng vợ thu xếp trở về An Giang, quyết định làm lại từ đầu bằng việc buôn bán nhỏ những mặt hàng gia dụng của Nhật. Rồi từ đó, việc kinh doanh của ông dần dần ổn định, ông hài lòng và vui vẻ với cuộc sống bên gia đình hiện tại.
Câu chuyện của Ngộ Trí lão sư khiến ba người học trò đều chăm chú nghe không chớp mắt, đến lúc dừng lại mà vẫn miên man suy nghĩ về cuộc đời ông Bẩy. Mạnh bắt đầu hỏi Ngộ Trí lão sư đầu tiên như mọi khi:
– Sức mạnh của phản bối thật đáng sợ, có phải do tuyến Phúc Tài phản bối Tử Điền và Phu Quan nên sẽ như vậy không hả thầy?
Ngộ Trí lão sư đáp lại:
– Cũng còn tùy là phản bối gì, tâm ý người ta mạnh đến đâu, hành động quyết liệt như thế nào.
Minh nghe vậy liền hỏi:
– Sao lại biết ông Bẩy kinh doanh lớn từ lá số hả thầy? Do càng nhiều phản bối, các đường tự hóa càng chồng chéo thì sẽ có mong muốn làm giầu mãnh liệt ạ?
Ngộ Trí lão sư mỉm cười giải thích:
– Cung, tinh, tượng đều là những thứ trọng yếu trong Khâm Thiên Tứ Hóa, tuy nhiên dụng thần của một người cũng ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của họ. Người có dụng thần là Quyền thường mạnh mẽ, hoạt bát, nhanh nhẹn, cũng là người dễ thích nghi hoàn cảnh. Nhưng đã có ưu điểm thì tất cũng có nhược điểm. Chính cái động lực, khả năng hành động lại phần nào làm hại họ, Hóa Quyền luôn luôn thích nhanh, nhưng dục tốc bất đạt, đôi khi ham làm giàu lại là cái làm hại họ, đặc biệt khi dụng thần ngược khí với chính Tài Bạch.
Trong lúc Minh đang gật gù ngẫm nghĩ, Mạnh đã nhanh miệng hỏi:
– Vậy ông Bẩy là người thích ra ngoài xã hội, hay xa nhà đúng không thầy?
Ngộ Trí lão sư gật đầu nói:
– Một năm ở nhà 3 tháng.
Ngộ Trí lão sư tiếp tục quay ra nói với Minh:
– Các cung vị được xuyến liên rất nhiều với nhau, mà còn được liên kết bởi khí của dụng thần. Không những vậy, Quan Lộc cung còn có hóa Lộc, vì vậy người này nếu không làm thì thôi, đã làm ắt hẳn muốn làm ra trò, không phải dạng kiếm bạc cắc sống qua ngay.
Cẩn nghe xong liền nói:
– Hay thật, vậy mà bây giờ lại chấp nhận sống bình dị như vậy, có phải là chú Bẩy đã chuyển được dụng thần không hả thầy?
Ngộ Trí lão sư lắc đầu nói tiếp:
– Dụng thần một người đâu phải nói chuyển là chuyển được, về vấn đề này ta sẽ chỉ dậy cho các con sau. Nhưng phàm mọi việc trên đời đều có cái cốt tủy của nó, người có dụng thần của người, sự có
dụng thần của sự, vật có dụng thần của vật, đó là tính cân bằng của vạn vật, tuy không đồng nhất nhưng đều có ảnh hưởng tương tác lẫn nhau. Đương số bản chất vẫn luôn có dụng thần hóa Quyền, nhưng vì thực tế cuộc sống mà bắt buộc phải thay đổi, vì không có tiền theo đuổi hoài bão mà bắt buộc thay đổi, vì gánh nặng gia đình mà bắt buộc thay đổi. Đó chính là hoàn cảnh, là phần địa và nhân làm biến đổi kết cục lá số mỗi người. Vì vậy ta mới luôn nói với các con, tuy vạn người chung một lá số, nhưng không ai giống ai, mỗi người một số phận khác nhau.
Cẩn suy nghĩ một lúc, lại hỏi tiếp Ngộ Trí lão sư:
– Vậy thầy khuyên chú ấy thay đổi thế nào hả thầy?
Ngộ Trí lão sư mỉm cười không nói gì, nhìn ba người học trò như muốn ra hiệu hãy tự suy nghĩ rồi trả lời ông. Một lúc sau, chưa thấy ai có lời giải đáp, lão Trí mới tiếp tục nói:
– Người này không thể dụng Quyền để sống, vậy chỉ có thể dụng Khoa Kỵ song tượng, chấp nhận một cuộc sống bình dị, tuy vất vả nhưng sẽ được an nhàn, ít biến động.
Ba người học trò của Ngộ Trí lão sư nghe xong rồi quay ra lại tiếp tục nhìn nhau. Quả thật với những lá số như của ông Bẩy, cho dù lão Trí giảng giải tận tình, thì mười phần có lẽ họ cũng chỉ hiểu được hai ba.
Sau một hồi miên man, Minh ngẩng đầu lên trời than thở:
– Đúng là có những thứ, chỉ có thể trải qua thời gian mới hiểu được, đặc biệt là giác ngộ Bắc Phái.
Không chịu được cảm giác mơ hồ, Mạnh định lên tiếng hỏi Ngộ Trí lão sư điều gì đó, thì tiếng nói từ xa của ông Trường vọng tới:
– Bác Trí, mọi người, đi thôi xe đợi rồi.
Lời thúc giục làm mọi người uống vội cốc nước thốt nốt, rồi trả tiền, nhanh chóng đứng lên rời khỏi khu chợ Châu Đốc, lên xe di chuyển về khách sạn.
Buổi tối hôm đó, sau bữa cơm chiều, mọi người có dịp di chuyển tự do thăm trung tâm Châu Đốc như công viên Basa, chợ đêm,… Khác với một trung tâm giao thương, du lịch tâm linh huyên náo nhộn nhịp khách thập phương vào buổi sáng, có một Châu Đốc bình dị, nhẹ nhàng khi màn đêm buông xuống. Sự bình yên đến từ điệu nhảy rộn rã một góc công viên cá Ba sa của các cô chú trung niên, từ những nụ cười trẻ thơ vô lo vô nghĩ, mải mê tận hưởng những món ăn, món đồ chơi, thi thoảng những tiếng cạch cạch của bánh xích xe đạp va vào nhau, từ từ lướt đi chậm chậm trên những con phố yên ả. Đêm hè Châu Đốc đôi khi chẳng quá rực rỡ sắc màu, không nhiều cảnh lung
linh, nhưng len lỏi đâu đó trong vài góc phố, vài con đường là tiếng nhạc vui tươi, là tiếng hát khe khẽ đầy hứng khởi của các bạn trẻ, truyền một thứ cảm xúc thật ngọt ngào đến từ không gian đô thị nơi này.
Kết thúc chuyến làm việc tại An Giang, sáng hôm sau Ngộ Trí lão sư và mọi người ghé qua nhà tạm biệt ông Bẩy rồi tiếp túc di chuyển đến Đồng Tháp như trong lịch trình.