Như đã trình bày trong phần luận giải lá số của Mao Trạch Đông, ở lá số này của Tưởng Giới Thạch, tác giả sẽ tiếp tục chia sẻ cho người đọc về vấn đề âm dương giao cảm, hay góc nhìn về hôn nhân đối đãi, tình cảm gia đình và tính cách của đương số để làm sáng rõ thủ pháp dụng khí của Khâm Thiên Tứ Hóa – Hà Lạc Bắc Phái, chứ không tập trung vào các vận hạn, sự kiện chính trị của đương số, việc đã được đề cập rất nhiều trên các tạp chí, ấn phẩm về huyền học khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các thủ pháp trên không giải quyết được các vấn đề về vận hạn liên quan tới công việc, tiền bạc, điền sản,…mà chỉ muốn làm chi tiết hơn tính uyển chuyển, cách vận dụng linh hoạt trong tất cả các sự vật, sự việc của phương pháp luận đoán xoay quanh yếu tố Dụng Thần của Khâm Thiên Tứ Hóa – Hà Lạc Bắc Phái.
Đầu tiên, việc người viết muốn đề cập trong lá số của Tưởng Giới Thạch. Đó chính là so sánh thiên can, dụng thần giữa hai lá số của Mao và Tưởng. Trong lá số của Mao, thiên can Quý, chỉ có duy nhất một mình Tham Lang là nam tinh, còn lại là ba nữ tinh. Trong khi đó, lá số của Tưởng thiên can Đinh, các cặp nam nữ tinh được chia đều nhau, mỗi phía hai tinh diệu. Vì vậy, có sự cân bằng và không bị thiên lệch, nên sự giao cảm âm dương giữa hai lá số, cơ hội gặp gỡ nữ nhân trong cuộc đời của hai người là hoàn toàn khác nhau. Sự ưu ái dành cho lá số của Mao là không thể nghĩ bàn. Không những vậy, ngoài thiên can, hãy nhìn vào dụng thần. Nếu lá số của Tưởng có song Dụng Thần là Đồng Cơ Khoa Kỵ, tuy Khoa chủ tình, nhưng nó đã bị sự cứng rắn, khô ráp của Thiên Cơ kìm chế, tuy Thiên Đồng chủ vui thú lạc quan tươi mới nhưng lại bị Quyền làm trở nên cứng rắn, nghiêm khắc. Thì lá số của Mao, Tham Lang là một đào hoa tinh bậc nhất của Tử Vi, một ngôi sao chủ khoái lạc, nhục dục, khi đi kèm với Kỵ càng làm cho dâm tính của nó phát tác, cộng với việc bất cân bằng trong thiên can, nên cơ hội gặp gỡ nhân duyên đào hoa của Mao Trạch Đông so với Tưởng Giới Thạch là muôn phần đắc ý.
Trở lại với lá số của Tưởng Giới Thạch, người vợ đầu tiên của ông – Mao Phúc Mai, một người phụ nữ hơn Tưởng 5 tuổi, được cha mẹ ông chủ động sắp xếp hôn sự mà không có tình yêu. Tưởng kết hôn vào năm 1901, năm ông 15 tuổi, thuộc đại vận 6. Để ý kỹ tại lưu niên năm 1901, trục Sửu Mùi không hề có việc giao cảm âm dương, nên có thể thấy cuộc hôn nhân này ông không hề chủ động, không hề có ý muốn kết hôn. Tuy vậy, tiên thiên quản đại vận, đại vận quản lưu niên. Phu thê tiên thiên làm Lộc nhập Quan Lộc cung, chiếu tới chính cung phu thê tiên thiên, cũng là cung phu thê của đại vận 6, biểu hiện đại vận 6 của Tương Giới Thạch có nhân duyên trời ban, rất dễ thành gia lập thất. Đại vận 6, tại trục Thìn Tuất của lá số, Thiên Di cung hướng tâm Khoa tới Mệnh cung. Hướng tâm Khoa là dòng khí của tự hóa, mang năng lượng của hóa Khoa năm sinh, cũng chính là năng lượng của Dụng Thần lá số, xuất phát từ Thiên Di, tiến nhập tới đối cung Mệnh. Ở đó, dòng khí của hướng tâm Khoa sẽ va chạm, và giao cảm với dòng khí của hóa lộc năm sinh – cũng chính là Dụng Thần của Mao Phúc Mai, Thái Âm hóa Lộc. Bất kỳ ở đâu có giao cảm, có dòng năng lượng của nam tinh và nữ tinh hòa quyện với nhau, ở đó sẽ có sự gặp gỡ, phối đôi, ở đó sẽ hình thành nhân duyên, có cơ hội để đương số thành gia lập thất.
Trong bàn cục lá số. Dụng Thần Thái Âm Lộc của Mao Phúc Mai, đã gặp gỡ giao cảm với Dụng Thần Thiên Cơ Khoa của Tưởng Giới Thạch tại đại vận 6. Tiên thiên đại vận đã lộ rõ bản ý, hà cớ gì lưu niên có thể cản lại. Ví như chiếc thuyền nhỏ lướt trên dòng Trường Giang, chỉ có thể xuôi theo con sóng mà tìm bến đỗ, sao có thể ngược hướng đi tìm thượng nguồn?
Mao Phúc Mai là một người vợ hết mực đảm đang, chu toàn, được toàn bộ Tưởng gia vô cùng yêu mến. Nhưng người duy nhất không có tình cảm với bà, lại chính là chồng bà, người quan trọng nhất với bà, Tưởng Giới Thạch. Phu thê hóa kỵ xung đại vận 16, nên đại vận này hôn nhân tình duyên của Tưởng Giới Thạch không hề suôn sẻ, êm đẹp. Và sự thực, sau khi kết hôn, thời gian Tưởng phu nhân và chồng mình ở bên nhau không được bao lâu, và Tưởng Giới Thạch cũng không hề tìm thấy tình yêu với Mai Phúc Mai. Năm 1903, khi Tưởng Giới Thạch 17 tuổi, vừa tiến nhập đến đại vận 16, ông từ biệt vợ và gia đình sang Nhật du học. Bắt đầu một đại vận khó khăn trong quan hệ vợ chồng. Phải đến năm 1913, khi ông 27 tuổi mới mang một người phụ nữ khác về sống tại gia đình. Lúc đó là đại vận 26, khi không còn bị kỵ của Phu Thê tiên thiên xung chiếu. Một điểm khác, dụng thần của Tưởng phu nhân định vị tại Thái Âm Lộc mệnh cung bị ngược khí với chính dụng thần của Tưởng Giới Thạch tại Quan Lộc cung. Đây cũng là lý do dù hai người có ở cạnh nhau cũng không hề có tình cảm.
Trong xã hội hiện tại, đâu đó chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều câu chuyện trên TV, mạng xã hội, hàng xóm, hay chính của bạn bè người thân quanh mình: Câu chuyện về những con người si tình, hết mình vì tình yêu, vì người yêu cho dù bị phản bội hết lần này tới lần khác. Chúng ta luôn đặt câu hỏi tại sao? Tại sao họ lại lụy tình đến vậy, tại sao có những người tốt hơn mà họ lại không chọn, tại sao có những người khác yêu họ mà họ không đáp lại, chỉ yêu người làm họ tổn thương? Vậy thì tình ái là chi, mà đôi lứa thề nguyền sống chết? Câu trả lời ở đây không nằm trong lý lẽ về logic, mà nó nằm trong lý lẽ về dụng khí, dụng thần của Khâm Thiên Tứ Hóa – Hà Lạc Bắc Phái. Khi không có âm dương giao cảm, khi không có sự phối đôi nam nữ, khi không có thời không kết hợp, thì sẽ không có tình cảm phát sinh. Mỗi con người chúng ta có một lá số khác nhau, nên sẽ có dụng thần khác nhau. Và với mỗi bàn cục lá số sẽ cho ra sự phối đôi âm dương giao cảm không giống nhau. Bởi vì thế mới có chuyện chàng trai này thích những cô gái có tính cách thùy mị nết na, chàng trai khác lại thích những cô gái cởi mở năng động hoạt bát.
Về vấn đề con cái. Năm 1910, Tưởng Giới Thạch và Mao Phúc Mai sinh hạ người con trai đầu lòng – Tưởng Kinh Quốc, cựu tổng thống Đài Loan. Khi đó Tưởng Giới Thạch vừa tròn 24 tuổi. Nếu áp dụng thủ pháp ứng kỳ tam bàn Thiên Địa Nhân, ta có thể hoàn toàn xác định được năm 1910 ứng kỳ ba tầng khi lập cực cung vị Tử Tức.
Tử Tức tiên thiên tự hóa Lộc, chiếu tới cung vị Điền Trạch và Tài Bạch, ứng với cung vị Tử Tức đại vận 16. Tử Tức đại vận 16 lộc nhập Quan Lộc cung, chiếu tới Phu Thê và Điền Trạch, cũng là cung vị Tử Tức lưu niên 1910. Năm 1910 Canh Tuất, Tử Tức lưu niên Phá Quân lộc nhập cung Tử Tức tiên thiên, chiếu tới Điền Trạch và Tài Bạch, cũng vừa vặn là hai cung vị Tử Tức đại vận và Tử Tức lưu niên. Tiên thiên đại vận lưu niên ứng kỳ, tam bàn Thiên Địa Nhân kết nối thời không lộc khí, khiến cho duyên trời mang đến nhân duyên về con cái cho gia đình Tưởng Giới Thạch.
Thời đại hiện nay, không nhiều câu chuyện được kể lại về sự thành công của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Phần vì sự nuông chiều con cái của những gia đình quyền lực, phần vì những đứa trẻ lớn lên trong nhung lụa không chịu phấn đấu. Nhưng trường hợp của hai cha con Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc mang đến cho tác giả một góc nhìn khác, góc nhìn về trường khí trong Tử Vi, cũng chính là làm hiển lộ thêm lý do tại sao Tưởng Giới Thạch lại hà khắc, hao tổn tâm sức trong việc rèn luyện cho Tưởng Kinh Quốc đến như vậy.
Như trên mệnh bàn lá số của Tưởng Giới Thạch, cung vị Tử Tức và Quan Lộc có trạng thái đảo chiều của tinh diệu. Hay nói cách khác chính là Tử Quan phản bối. Tử Tức chủ con cái, cấp dưới, vãn bối. Còn Quan Lộc chỉ là cung vị về công danh sự nghiệp, cung vị về khí số vị, hành vi. Nên có thể thấy rằng, dù là con cái hay cấp dưới. Tưởng Giới Thạch đều có cách hành xử vô cùng bá đạo, làm người khác phải nhìn sắc mặt mà cư xử. Ba cung vị Nô Bộc, Thiên Di và Tử Tức, do đều được tương thông với cung Mệnh, nên đều được hưởng nguồn năng lượng từ cung Mệnh. Vì vậy, trong cả cuộc đời này, có thể thấy Tưởng Giới Thạch đặt nặng tâm trí nhất vào ba thứ: Con cái, thuộc hạ và sự nghiệp công danh chứ không hề là gia đình, cha mẹ hay người phối ngẫu của mình. Và thành công của Tưởng Kinh Quốc, ngoài sự nỗ lực rèn luyện của chính bản thân ông, có lẽ không thể không nghĩ tới công lao của người cha đã ngày đêm rèn giũa, lao tâm khổ tứ cho mình.
Nếu nói Bắc Phái chỉ mạnh về luận vận hạn mà xem nhẹ việc luận mệnh thì quả là thiếu sót. Với các thủ pháp truy xét dụng thần, liên kết trường khí, vận dụng giao cảm âm dương của mình, Khâm Thiên Tứ Hóa – Hà Lạc Bắc Phái có thể làm hiển lộ sáng tỏ những tính cách sâu thẳm của một con người một cách trực diện nhất, rõ ràng nhất và tổng quan nhất.. Không những thế, còn có thể tường minh những thay đổi, chuyển biến về tâm lý, trạng thái, góc nhìn nhân sinh quan của đương số qua mỗi một đại vận khác nhau, thời gian và không gian khác nhau.
Qua hai bài viết về hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc trong thời kỳ nội chiến là Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch. Tác giả hy vọng người đọc sẽ có những cái nhìn gần gũi hơn, khách quan hơn về hệ thống Lý, Khí, Tượng, Số của Khâm Thiên Tứ Hóa – Hà Lạc Bắc Phái. Tuy có thể nói là vô cùng đồ sộ, chặt chẽ, nhưng tất cả đều xuất phát từ những sự vật sự việc giản đơn hàng ngày mà không hề xa rời thực tế. Và cũng chỉ có những lý lẽ gắn chặt với quy luật thực tế, sự thực tồn tại trong đời thường… mới có thể có độ chính xác cao đến như vậy.