XUNG KHẮC SONG THÂN

6h sáng, xe của ông Cương đã đến đón bốn người lão Trí. Tuy chỉ cách thành phố 6h sáng, xe của ông Cương đã đến đón bốn người lão Trí. Tuy chỉ cách thành phố Tam Kỳ 20km, nhưng mọi người quyết định đi sớm để có thể ngắm nhìn nhiều cảnh đẹp ở đây hơn và cũng để tránh cái nắng gắt buổi trưa.

Nếu muốn tìm một Việt Nam thu nhỏ, chắc chắn đó là Tiên Phước. Đó là một huyện trung du, bán sơn địa, vùng đất này tương phản từ khí hậu, đất đai cho đến tập tính sinh hoạt của con người. Ở đây có đồi núi và ruộng bậc thang của Tây Bắc, làng quê của đồng bằng Bắc Bộ, sông suối của Nam Trung Bộ và cả miệt vườn cây trái Nam Bộ. Do đặc điểm cấu tạo địa hình nên sông Tiên – con sông chảy quanh địa bàn huyện được mệnh danh là con sông chảy ngược, không xuôi về biển Đông mà
ngược về hướng tây nam và đổ ra sông Thu Bồn. Huyền tích kể lại rằng vùng này thuở hồng hoang đẹp hơn thượng giới. Vào mùa xuân, các tiên nữ thường rủ nhau xin phép Ngọc Hoàng hạ giới ngao du rồi trốn ở lại, nên được gọi là thập ngũ tiên sa. Mảnh đất này cũng là nơi có truyền thống văn hóa, cách mạng, là địa bàn trọng yếu trong cuộc kháng chiến tại Quảng Nam. Từng sản sinh ra những những nhà cách mạng yêu nước, những anh hùng dân tộc như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Chu Trinh…

Khi gần đến thị trấn, hai bên đường dọc theo quốc lộ 4 bắt đầu hiện ra liên tiếp vô số nhà vườn của các hộ dân trồng trầm xen lẫn với một số loại cây khác. Mạnh liền quay ra hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Sao ở đây lắm loại cây thế hả thầy, con tưởng vùng này chỉ trồng mỗi cây trầm thôi chứ ạ?
Lão Trí nghe Mạnh hỏi, mỉm cười giải thích:
– Haha, đúng là mấy thanh niên thành phố. Không có cây trầm, đó là cây dó bầu và cây tiêu bà con trồng xen kẽ. Cây dó bầu khi bị thương sẽ tạo ra chất nhựa bám dính quanh vết thương. Lâu dần sẽ tạo ra trầm ở đó. Còn trồng tiêu là vì loại cây này có giá trị kinh tế cao, phù hợp với loại đất có tỷ lệ màu mỡ thấp của Tiên Phước.
Minh nghe vậy, ngạc nhiên hỏi:
– Sao không trồng hết trầm cho nhiều tiền đi trồng cả tiêu làm gì hả thầy?
Mạnh ở cạnh bèn nói ngay:
– Thì kết hợp tăng thu nhập đó ông.
Ngộ Trí lão sư ở cạnh nghe hai người học trò tranh luận bèn cười nói:
– Câu hỏi hay đó, đây cũng là vấn đề chung của xã hội, bà con thấy cái gì người khác làm được cũng nhảy vào làm, không chuyên tâm vào một thứ.
Mạnh nghe lão Trí nói, có phần không hiểu bèn hỏi lại:
– Thế chuyên tâm trồng trầm hay tiêu hả thầy?
Nghe học trò hỏi ngây thơ, Ngộ Trí lão sư cười khổ trả lời:
– Trước ta đã từng nói với mấy đứa vì sao ta nhận mấy đứa rồi đúng không? Tử Vi cũng như thực tế cuộc sống mà thôi. Dụng thần của mỗi người chỉ ở tọa vị tại một cung, có nghĩa là con người ta chỉ có thể phát triển mạnh nhất ở một lĩnh vực nhất định, những cung vị khác tuyệt đối không phải là thế mạnh của họ. Xã hội cũng vậy, việc gì cũng cần chuyên tâm và đạt đến chuyên môn nhất định, cứ ngó đông ngó tây thì sẽ chả thành được việc gì. Ta chưa đến vườn của lão Cương, nhưng ta khẳng định chắc chắn ở đó sẽ chỉ trồng duy nhất dó bầu mà thôi, tuyệt đối không trồng những cây khác.
Ông Cương ngồi bên cạnh ghế lái, gật gù như đồng ý và nói:
– Vẫn là sư phụ các cháu biết nhìn nhận. Đúng là vườn của chú chỉ trồng duy nhất dó bầu. Thật ra các vườn ven đường vừa đi qua, đều là các hộ dân trồng nhỏ lẻ, xen kẽ. Lý do cũng đúng như thầy Trí nói, nghề trồng trầm này không hề đơn giản. Đã có thời gian đất những cánh rừng xứ Quảng tuyệt diệt với cây dó bầu sau khi cơn sốt trầm quét qua. Không hiểu kỹ thuật chăm sóc và muốn làm giàu nhanh trong khi những cây dó bầu tuy chăm sóc kỳ công mà vẫn không cho trầm, nhiều người đã dùng hóa chất bơm vào các sản phẩm và làm giả trầm hương, làm cho các thương lái quay lưng, tẩy chay. Công ty của chú là một trong số ít hiếm hoi trụ lại được qua cơn bão đó. Vì có đội ngũ kỹ sư lành nghề cùng với chất lượng ổn định và uy tín lâu năm, nên sản phẩm bên chú vẫn được bạn hàng tin tưởng.
Cẩn ở bên cạnh nghe xong gật gù nói:
– Đúng là một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Cái gì cũng cần có chuyên môn năng lực, không thể có suy nghĩ thời vụ được.

Lái xe của ông Cương đưa mọi người đi một vòng Tiên Phước để tham quan trước khi đến vườn của công ty. Cảnh vật nơi đây quả thực là một Việt Nam thu nhỏ. Những ngôi làng cổ Hội An ở Tiên Châu, làng cổ Lộc Yên ở Tiên Cảnh thật làm say đắm lòng người với những ngôi nhà trệt lợp ngói, có vườn tược bao quanh. Nơi đây do đất cằn cỗi, địa hình toàn sỏi đá nên người dân kiên trì thu gom đá và chắt chiu gạn đất phù sa dùng để làm nhà. Đặc biệt họ xếp đá tỉ mẩn làm tường rào tạo thành những lối đi độc đáo như mê cung. Phía trên tường trồng chè tàu, còn đá tảng thì để trang trí và làm bàn ghế. Đá nhỏ xếp quanh gốc cây để chống cỏ mọc, giữ độ ẩm, điều hòa nhiệt độ và nhường đất
trồng trọt. Hệ thống Trường Gia Lũy có tường rào bằng đá xếp của mấy trăm hộ gia đình ở các làng cổ Tiên Phước, dài hàng chục kilômét. Đường làng quanh co tựa như những dải lụa mỏng uốn lượn, bao phủ bởi màu xanh của cây cỏ khoe hương tùy theo mùa, đẹp ngỡ ngàng như trong truyện cổ tích.

Xe đến trước cổng khu vườn dó bầu của ông Cương, mùi hương trầm đã lan tỏa trong gió ngây ngất. Phía bên trong rộng bạt ngàn toàn là những cây dó bầu trồng san sát nhau xanh mơn mởn. Mọi người sau khi xuống xe liền được Bảo – trưởng ca làm việc buổi sáng dẫn đi tham quan xung quanh.
Nhà vườn của công ty được chia ra làm 3 khu khá rõ rệt. Một khu toàn là những cây lâu năm tuổi, một khu dành cho cây mới trồng, một khu nhà chuyên để chế tác các sản phẩm từ trầm như: vòng trầm, trầm miếng, trầm cảnh, trầm khối để trang trí, trưng bày. Trong khu chế tác có đâu đó chừng 7, 8 người thợ đang tỉ mỉ đẽo gọt, mài dũa các gốc trầm tạo ra vô số hình thù độc đáo, các vụn gỗ trầm vương khắp nhà, thơm nức mũi.
Ra khỏi khu nhà chế tác, Bảo dẫn Ngộ Trí lão sư và mấy người học trò đi thăm khu vườn ươm cây non. Trong khi mọi người đang mải nói chuyện và hỏi về các đặc tính của cây dó bầu thì có một cô bé kéo vòi nước ra để tưới cho các gốc cây non. Thấy cô bé có thân hình khá nhỏ,
Ngộ Trí lão sư quay sang hỏi Bảo:
– Ở đây có nhiều trẻ em vào làm không cháu?
Bảo thấy lão Trí vừa hỏi, ánh mắt vừa quan sát cô bé kia, anh ta cười đáp:
– Dạ đâu có chú, nhỏ đó tên Châu, nó gần 20 rồi đó chú. Do mồ côi từ nhỏ, phải tự mình bươn chải nên người nó ốm vậy thôi.
Ngộ Trí lão sư gật đầu, quay lại cuộc nói chuyện của Bảo với mọi người về giống dó bầu. Mạnh hỏi lão Trí:
– Không hiểu trầm tốt đến thế nào mà giá cao vậy thầy nhỉ?
Lão Trí mỉm cười đáp:
– Giá cao hay thấp là phụ thuộc vào thị trường, cái này mấy đứa phải hỏi anh Bảo. Còn về đông y thì trầm có vị cay, tính ấm, hơi ngọt, có tác dụng tốt đối với tỳ, vị và thận của cơ thể, làm giáng khí, hạ đờm, bổ nguyên dương, bổ thận khí, trợ sức cho công năng vận hóa của tỳ thận. Ngoài ra, còn có tác dụng trợ tim, mạnh tim, lợi tiêu hóa, trị tiêu chảy, chống nôn. Tác dụng rất hay trong trường hợp bị chướng khí nghịch làm khó thở, hen suyễn thở dốc và bệnh đang nguy phát, có những cơn nấc không dứt được. Nhưng với người có chứng âm hư hỏa vượng thì tuyệt đối không được dùng trầm.
Cẩn ở gần cũng lên tiếng:
– Nhưng nếu đắt vậy thì mấy ai dùng làm bài thuốc, có chăng thì những bộ phận khác như rễ hay lá thôi thầy nhỉ?
Ngộ Trí lão sư cười nói:
– Ừ, ta chưa thấy ứng dụng của dó bầu nhiều trong y học. Tuy rằng một số nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam chỉ ra rằng lá cây dó bầu mang nhiều hoạt tính chống oxy hóa và có thể kích thích cơ thể sản sinh các kháng thể chống lại các bệnh do virus.
Khu cuối cùng trong vườn dó bầu của công ty, cũng là khu có diện tích rộng nhất, chính là vườn dó bầu. Chỗ này vị trí sát sườn núi, khá thuận tiện cho việc chăm sóc và cũng là nơi có thổ nhưỡng tốt. Bảo đang giải thích cách thức chăm sóc và các phương pháp tạo trầm cho cây thì cô bé Châu vừa nãy lại xuất hiện. Cô bé đang đứng dưới gốc dó bầu, tay cầm chiếc xô đựng các thanh sắt nóng, phía trên có một cậu thanh niên trèo lên, đóng các thanh sắt nóng vào cây dó để tạo trầm. Cô bé nhỏ con, hai tay phải xách hai xô chứa đầy thanh sắt nặng đến độ toát hết mồ hôi nhưng khuôn mặt thì vẫn chăm chú với công việc làm cho Ngộ Trí lão sư bất giác có chút suy nghĩ. Không hiểu cô bé này
là ai, hoàn cảnh gia đình thế nào mà phải đi làm công việc nặng nhọc này của nam giới.

Thăm quan một hồi cũng đến gần giờ ăn trưa. Mọi người quyết định ăn ngay tại nhà chế tác của công ty để cảm nhận được không khí và cảnh sắc của đất trầm Tiên Phước. Bữa cơm của bốn thầy trò Ngộ Trí lão sư được chuẩn bị khá chu đáo, các món đặc sản địa phương như gà hầm muối, nem chua lá liễu, bánh tráng xúc mít trộn và cá niêng khiến những chiếc bụng đói sau một buổi sáng đi bộ càng trở nên cồn cào.

Mọi người đang nói chuyện vui vẻ về ẩm thực, về con người cũng như các danh lam thắng cảnh ở vùng đất Tiên Phước thì ở phía căn phòng đối diện, Ngộ Trí lão sư phát hiện ra Châu, cô bé lúc sáng đã gặp ở vườn dó bầu, đang ngồi một mình một chỗ cầm hộp cơm ăn, có vẻ như cô bé không ăn nhiều như những người thanh niên khác, nhiều cơm và chẳng có mấy thức ăn. Suy nghĩ một lát, Ngộ Trí lão sư nói nhỏ gì đó với Cẩn. Cậu liền đi tìm một cái khay nhỏ, gắp một cái đùi gà, một miếng cá và ít nem khay, sau đó đưa cho lão Trí. Nhận được khay thức ăn, Ngộ Trí lão sư cầm lấy cả bát của mình tiến về căn phòng đối diện phía cô bé Châu ngồi, ông nói mọi người cứ ăn đi, ông sang bên đó một lát rồi về.
Bảo có vẻ là người ngơ ngác nhất, anh ta hỏi Minh:
– Sư phụ mấy đứa đi đâu vậy?
Minh nhìn sang rồi mỉm cười nói:
– Chắc thầy sang cho nhỏ kia ít đồ ăn đó anh, trông con bé gầy gò quá mà. Thôi anh em mình cứ ăn đi, lát thầy về giờ. À nãy anh Bảo nói bán trầm sang Trung Đông xong rồi sao nữa hả anh?

Nói chuyện là vậy nhưng suốt lúc ăn cơm, thỉnh thoảng ba người học trò của Ngộ Trí lão sư vẫn hướng ánh mắt về phía thầy mình. Thỉnh thoảng lại xem ông nói chuyện gì với cô bé kia. Lúc đầu cô bé có vẻ khá rụt rè, thận trọng với ông. Về sau hai người dần dần thân thiện hơn, cuối cùng thì Châu đã nói chuyện vui vẻ, thậm chí còn nở nụ cười với lão Trí.
Một lúc sau, khi bữa cơm đã xong và mọi người đang uống trà thì lão Trí trở về, khuôn mặt ông có nét đăm chiêu. Mạnh thấy vậy, liền hỏi:
– Có chuyện gì mà thầy ngồi bên đó lâu thế ạ?
Ngộ Trí lão sư không nói gì, chỉ lắc đầu rồi mỉm cười:
– À, ta đưa cho con bé ít thức ăn, tiện thể ngồi nói chuyện với cô bé một chút.
Như đoán ra có điều gì đó, Cẩn hỏi lão Trí:
– Chắc cô bé này cũng hoàn cảnh khó khăn hả thầy?
Ngộ Trí lão sư gật đầu nói:
– Ừ, cô bé cũng giống con, cha mẹ đều mất sớm từ lúc nó mới được 12 tuổi.
Câu nói của lão Trí làm cả Minh và Mạnh chú ý, cả hai quay ra nhìn Châu rồi quay lại hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Có hỏi được lá số của em ấy không hả thầy?
Ngộ Trí lão sư gật đầu, đọc cho ba người học trò giờ sinh của Châu, đồng thời kể lại câu chuyện của cô bé.

Châu và Cẩn giống nhau một điểm là cả hai đều mất cả cha mẹ khi còn trẻ. Tuy nhiên, nếu phân định kỹ càng thì cuộc đời Châu vất vả và khó khăn hơn Cẩn khá nhiều. Cô bé không có may mắn gặp được những người như ông Quỳnh nhận về dạy nghề thuốc hay Ngộ Trí lão sư xin việc cho làm ở dược Nam Hà. Nếu có thì cũng chỉ là trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, rồi sau đó những biến cố lại liên tục ập đến với cô bé.

Sinh ra ở vùng đất Phú Yên đầy nắng gió, cha mẹ đều làm nghề bám biển để mưu sinh. Khi 12 tuổi, vừa học hết cấp một, một cơn bão biển đã cướp đi sinh mạng của cha mẹ Châu. Bơ vơ không người thân thích, cô bé may mắn được nhận vào nhà tình thương của một vị mạnh thường quân ở trong vùng. Từ đó, cơ hội được nuôi dưỡng, được cắp sách đến trường của Châu đã trở lại, cô bé tạm quên đi nỗi mất mát người thân để tập trung học tập cho một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng một lần nữa ước mơ của em lại bị ngừng lại. Năm Châu 17 tuổi, vị mạnh thường quân bị ung thư và qua đời. Ngôi nhà tình thương gắn bó với cô 4 năm trời đã đóng cửa, một lần nữa Châu lại chịu cảnh bơ vơ, không người thân thích. Nghe lời bạn bè, cô một mình bắt xe khách ra Hội An xin việc phục vụ ở các cơ sở nhà hàng du lịch. Công việc tuy đủ ăn nhưng không có tương lai, cộng với việc hay bị chủ quán mắng mỏ, dọa nạt làm Châu càng ngày càng tự ti, rụt rè với cuộc sống. Trong một lần phục vụ đoàn khách ăn uống, cô nhỡ tay làm đổ mâm thức ăn chuẩn bị mang lên phục vụ khách, nên đã bị mụ chủ quán la mắng, chửi rủa rồi đánh đập. Tủi nhục cho thân phận của mình, cô chỉ biết cúi mặt, chạy lại một chỗ trong nhà vệ sinh rồi khóc nghẹn một mình. Và đó cũng là khoảnh khắc thay đổi cuộc sống của
cô. Trong lúc trốn vào nhà vệ sinh khóc, cô bất ngờ được một người phụ nữ đến an ủi. Đó chính là bà Hồng, người khách trong đoàn đã quan sát mọi sự việc của cô ban nãy. Bà Hồng là người Tiên Phước, làm công nhân trong vườn dó bầu của công ty ông Cương. Có lẽ sự đồng cảm giữa một đứa trẻ mồ côi và một người phụ nữ không có gia đình, chồng con đã mang hai người lại gần nhau. Sau một hồi chia sẻ, tâm sự và thuyết phục cô bé, bà đã để lại số điện thoại cùng địa chỉ của mình
và công ty để cô liên lạc nếu muốn tới Tiên Phước làm việc. Tuy sẽ vất vả nhưng công việc và môi trường ổn định. Thế rồi, như mọi người đều thấy, Châu đã đến công ty ông Cường xin việc và là một thành viên của vườn dó bầu này từ đó đến nay. Tình cảm của cô và bà Hồng cũng ngày càng trở nên thân thiết, bà còn nhận cô bé làm con nuôi, hai người cùng ở chung trong một ngôi nhà cách nơi làm việc không xa.

Câu chuyện của Ngộ Trí lão sư khiến ba người học trò của ông bần thần một lúc, nhất là Cẩn, chốc chốc cậu lại quay sang nhìn về phía Châu, hai mắt ngấn lệ. Có lẽ sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ luôn làm họ có thể xích lại gần và thấu hiểu nhau hơn.
Có lẽ trong câu chuyện, Minh luôn là người tỉnh táo nhất, đúng với tính cách và trí tuệ của những người có dụng thần hóa Lộc. Minh hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Ơ sao giờ có mẹ nuôi, có công việc đàng hoàng rồi mà ăn uống vẫn kham khổ thế hả thầy?
Ngộ Trí lão sư nghe học trò hỏi, quay lại nhìn rồi nói:
– Ta đợi mấy đứa hỏi câu này mãi, cuối cùng thì cũng có người lên tiếng. Bà Hồng đang bị bệnh, con bé ăn uống kham khổ để góp tiền chữa bệnh cho mẹ nuôi nó.
Mấy người học trò nghe vậy liền gật gù, không thấy có ai nghi ngờ gì, nên lão Trí lại hỏi tiếp:
– Có ai thấy có gì bất thường không?
Mạnh ngơ ngác hỏi lại:
– Bất thường là sao hả thầy?
Ngộ Trí lão sư cười khổ, không nói gì rồi tiếp tục nhìn Minh và Cẩn như chờ một câu trả lời. Một lúc sau Cẩn lên tiếng:
– Ý thầy là số phận của cô bé này hả thầy?
Ngộ Trí lão sư lúc này mới gật đầu rồi nói:
– Thật ra, cái mà mấy đứa cần học không ở đâu xa. Nó nằm ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tử Vi cũng không là ngoại lệ, nó cũng chính là những điều diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Khí trong mệnh bàn luôn chuyển động, giống như sự chuyển động của xã hội vậy. Càng quan sát, càng đặt câu hỏi, mấy đứa sẽ thấy những điều thú vị và kì diệu chẳng hề nằm trong những bí kíp hay thủ pháp khô khan.
Mấy người học trò dường như vẫn có chút gì đó mơ màng, Ngộ Trí lão sư bèn hỏi tiếp:
– Có thấy số phận của cô bé Châu này như có gì đó lặp lại không?
Ông vừa hỏi xong, Minh gần như lập tức trả lời:
– À con biết rồi, cô bé này hình như khá xung khắc với cha mẹ thì phải thầy nhỉ. Từ cha mẹ đẻ, người đàn ông xây nhà tình thương, cho đến bà Hồng.
Ngộ Trí lão sư gật đầu nói:
– Đúng đó, nhưng lý do là gì mấy đứa nhìn thấy không?
Mạnh liền hỏi lại Ngộ Trí lão sư:
– Nhưng đầu tiên vẫn cần xem xét về dụng thần của em ấy thầy nhỉ. Phải định vị rõ được dụng thần mới biết các biến cố xảy ra trong cuộc sống.
Cẩn hỏi tiếp lão Trí:
– Người này dụng thần là Quyền hay Kỵ vậy hả thầy? Nếu Kỵ thì còn đỡ chứ Quyền thì không tốt thầy ạ. Quyền tượng tam hào biến ngay thời còn trẻ.
Ngộ Trí lão sư khuôn mặt vẫn đăm chiêu, không nhanh không chậm nói:
– Nãy ta nói chuyện với cô bé một lát, xác định quả thật là dụng thần hóa Quyền tại Mệnh cung. Vì sao ư? Thứ nhất, những người dụng thần Quyền tinh thường là những người rất chăm chỉ, cần cù, làm việc siêng năng, trách nhiệm. Tuy Quyền Kỵ là hai tượng có đôi chút khó phán đoán, cần chút kỹ xảo cũng như là kinh nghiệm của người luận đoán. Tuy nhiên, các vận hạn của cô bé cũng như sự xung khắc trong quan hệ gia đình và xã hội lại tập trung chính ở các dòng khí của hóa Quyền. Không những vậy, Quyền tượng tam hào biến ở ba cung Phụ Mẫu, Mệnh và Huynh Đệ cũng nói lên sự vô duyên của cô bé với song thân. Chỉ trách số phận và độ số của Châu không được tốt, nên mọi
thứ mới như vậy.
Minh nghe xong liền hỏi lại Ngộ Trí lão sư:
– Vậy rõ ràng là em ấy độ số khá thấp đúng không thầy?
Ngộ Trí lão sư không nói gì, chỉ im lặng gật đầu. Mạnh ở bên cũng lên tiếng:
– Thảo nào sự xung khắc của tam hào biến đẩy lên cao như vậy. Thế thì có cách nào loại bỏ được sự xung khắc này không hả thầy?
Có lẽ đây là câu hỏi không chỉ ba người học trò của lão Trí mong tìm được câu trả lời. Ngộ Trí lão sư nghe vậy, suy nghĩ rồi lặng lẽ nói:
– Mấy đứa làm cách nào để hai thỏi nam châm cùng dấu không đẩy nhau ra?
Ba người học trò nhìn nhau rồi lắc đầu, lão Trí tiếp tục nói:
– Quả thực là chẳng thể nào, càng để chúng gần nhau, lực đẩy ra càng mạnh.
Minh ồ lên rồi nói:
– Con hiểu ý thầy rồi, vậy thì tốt nhất không nên để chúng gần nhau. Cũng như cô bé kia, tốt nhất là không nên gần cha mẹ, phụ mẫu. Trước kia không phải đều đã gặp chuyện sao.
Ngộ Trí lão sư gật đầu rồi nói:
– Đúng thế, phàm những người ứng tượng với Phụ Mẫu trong lá số của cô bé, hay những người cô bé coi là Phụ Mẫu, sẽ đều bị dòng khí của hóa Quyền trong lá số của cô bé gây ra những phản ứng và tương tác vô hình. Cái lý lẽ của khí trong Bắc Phái chính là vậy.
Cẩn tò mò hỏi lão Trí:
– Vậy thầy vừa nãy khuyên gì Châu hả thầy? Có cách nào giúp em ấy không ạ? Chả lẽ tượng xung khắc sẽ theo em ấy suốt đời sao?
Ngộ Trí lão sư nhìn Cẩn, thấy ánh mắt cậu có vẻ sốt ruột, pha với chút gì đó buồn bã. Ông hiểu suy nghĩ của Cẩn lúc này, một người tuy may mắn hơn Châu những cũng đã từng trải qua tất cả nhưng đau khổ mất mát như vậy. Lão Trí chậm rãi trả lời:
– Tượng trong Bắc Phái tuy biến hóa kỳ ảo, nhưng luôn có 2 cột mốc để ta có thể quán chiếu. Đó là không gian và thời gian, không gian ở đây chính là cung vị, hoàn cảnh, môi trường. Thời gian chính là đại vận, lưu niên. Cô bé này khi nhỏ đã ứng kỳ với cả không gian và thời gian. Không gian chính là cung vị Huynh Đệ, Phụ Mẫu, đại biểu cho song thân. Thời gian chính là đại vận 6 và 16 có sự biến đổi của quyền tượng tam hào. Cộng với độ số thấp, nên cuộc đời cô bé trong giai đoạn này sẽ liên tục có những thăng trầm.
Đang nói thì Ngộ Trí lão sư dừng lại, liếc nhìn ba học trò của mình đang trầm ngâm, lắng nghe từng lời của ông. Sau một giây phút, lão Trí lại tiếp tục:
– Ta hiểu các con nghĩ gì, và càng hiểu thứ các con nghĩ đương nhiên là thứ xã hội nghĩ, và luôn luôn mong muốn. Đó chính là xu cát tị hung, tìm lành tránh dữ. Nhưng cách duy nhất tìm được ra giải pháp chính là hiểu cái lý lẽ của nó vận hành. Nếu không hiểu vì sao dó bầu có thể tạo ra trầm, thì không thể nghĩ ra các phương pháp làm trầm nhân tạo. Nếu không hiểu suy nghĩ của một con vật nuôi, cách hành động của chúng thì không thể nào kết bạn và thấu hiểu chúng. Nếu không hiểu y lý, ngũ hành chế hóa kỳ kinh bát mạch, thì không thể nào điều chỉnh cho một người bệnh trở nên âm dương cân bằng, khí mạch thông suốt. Khâm Thiên Tứ Hóa cũng vậy, nếu không hiểu vì sao các
trường khí lại xung đột, không hiểu nhân sinh, không hiểu nhân tâm, chẳng thể nào có được cái gọi là xu cát tị hung. Vấn đề của Châu chính là sự xung khắc giữa bản Mệnh và cung vị Phụ Mẫu, cũng như sự xung khắc của hai thỏi nam châm trái dấu đặt gần nhau. Vậy muốn triệt tiêu sự xung khắc này, không cách nào khác ngoài triệt tiêu mối quan hệ, triệt tiêu khoảng cách, sự liên quan của các cung vị này với nhau. Nếu không có tượng Phụ Mẫu, ắt sự xung khắc sẽ tiêu hao giảm bớt. Đây chính là cải mệnh đối với cung vị. Còn về vấn đề thời gian, đương nhiên hai đại vận 6 và 16 sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất vì nằm trong tam hào biến. Thoát khỏi thời gian này, sự biến động của quyền tượng sẽ giảm đi rất nhiều.
Ba người học trò nghe xong, gật gù tán thán. Mạnh lại hỏi tiếp Ngộ Trí lão sư:
– Coi như qua đại vận 16, sẽ là hết hẳn thầy nhỉ?
Ngộ Trí lão sư cười lắc đầu, Minh thấy thế ở bên cạnh vỗ vai Mạnh rồi nói:
– Còn lưu niên nữa chứ, cần chú ý những năm Quý Giáp Ất.
Cẩn có lẽ là người chăm chú nghe nhất, ngoài kiến thức được lãnh ngộ từ lão Trí, cậu dường như còn có một nỗi niềm khác:
– Vậy ý thầy là từ nay Châu không được nhận cô Hồng làm mẹ nuôi nữa ạ?
Ngộ Trí lão sư nhìn cậu học trò, mỉm cười đáp:
– Không hẳn như vậy. Ta đã ngồi nói chuyện và tâm sự với cô bé. Ngay lập tức sẽ không thể bắt một người xa lạ theo ý mình được. Ta động viên và thuyết phục cô bé ở xa bà Hồng một thời gian. Nếu có kết quả sẽ áp dụng theo cách của ta cũng chưa muộn. Ta sẽ trao đổi việc này với chủ tịch Cương để có thể bố trí một chút giúp họ.
Minh ở bên cạnh tấm tắc nói:
– Đúng là thầy vẫn luôn là thầy bọn con. Tử Vi ngoài hiểu được về học thuật lý kỹ pháp. Còn phải hiểu được nhân tâm, làm sao có cách giải quyết toàn vẹn nhất để giúp mọi người. Đó mới là đỉnh cao.
Mạnh nghe xong, liền than thở:
– Ai da, đến khi nào con mới được ba phần của thầy đây!
Ngộ Trí lão sư cười khổ, lắc đầu nhìn đám tiểu tử tếu táo. Bữa cơm đến gần 1h trưa thì xong, Cẩn lặng lẽ thì thầm gì đó với Minh và Mạnh, sau đó chàng trai lấy một chút tiền bỏ vào trong một hộp gỗ đựng vòng trầm mà Bảo đã tặng cậu, lặng lẽ đi ra chỗ bé Châu làm việc rồi tặng lại cho cô. Hai người nói chuyện một lát khá vui vẻ, cô bé cũng bớt vẻ rụt rè ban đầu, thỉnh thoảng mắt lại ngấn lệ. Trước lúc rời khỏi vườn trầm, Ngộ Trí lão sư cũng gọi Châu lại căn dặn gì đó, cô bé cứ liên tục gật đầu, mỉm cười vui sướng. Lúc bốn người lão Trí đi khỏi, Châu cứ đứng ngoài cổng vẫy tay chào mãi mới chịu vào trong.
Do còn phải đến Bình Định sớm để sáng hôm sau có buổi làm việc, Ngộ Trí lão sư đành từ chối lời mời dùng cơm tối của ông Cương. Lão Trí chỉ kịp tạm biệt ông Cương qua điện thoại, tiện thể dặn dò và nhờ một số vấn đề liên quan đến việc bố trí công việc cho Châu rồi cả đoàn lại lên đường, thẳng tiến theo cao tốc 01 để hướng về Bình Định. Mọi người trong đoàn đều tranh thủ ngủ một giấc trên quãng đường xa. Chỉ có Cẩn là người duy nhất lúc này vẫn thức. Thi thoảng ánh mắt cậu lại nhìn về phía gương chiếu hậu. Có lẽ giờ này tâm trí Cẩn vẫn suy nghĩ về Châu, cô bé nhỏ người nhưng luôn làm việc chăm chỉ. Trải qua và tận mắt chứng kiến những con người đã, đang và sắp bị những sự
sắp đặt vô hình của số phận tác động lên họ. Cẩn mới thấm thía được giá trị lớn lao của Khâm Thiên Tứ Hóa. Dù chỉ là một tờ giấy A4 với những hình vuông và đường thẳng đan xen xếp lên nhau. Nhưng nó lại có một sức mạnh và khả năng cải hóa được cái mông lung của con người, làm cho cuộc đời một con người tốt đẹp hơn, bớt chông gai hơn nếu như họ thật sự nghiêm túc với số mệnh của mình.

Trả lời