THOÁT KIẾP TRẦN TỤC

Sau khi hội thảo kết thúc tốt đẹp, ông Truyền – giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Định, cũng là một người bạn cũ của Ngộ Trí lão sư đã mời lão Trí dùng cơm trưa tại chùa Long Sơn, một ngôi chùa ngay gần biển Quy Nhơn, cách bệnh viện không xa.

Nằm trên đỉnh đồi cao nhìn ra phía biển, chùa Long Sơn nằm khuất sau những tán cây lớn, từ đây có thể ngắm khung cảnh bờ biển Quy Nhơn lượn theo hình vòng cung, ôm lấy mặt nước phẳng lặng chở che những con tàu đang neo đậu, đẹp như một bức tranh.

Đập vào mắt Ngộ Trí lão sư và ba người học trò là một khoảng sân chùa rộng thênh thang được lát gạch nung Bát Tràng ánh lên sắc đỏ, được phủ lên màu xanh của những hàng cây bồ đề. Tiếng kinh kệ ngân nga, tiếng mõ đều đều đưa bước chân vào không gian thanh tịnh. Giữa sân, tượng Phật bà Quán Thế Âm Bồ Tát được chạm khắc bằng đá đứng trên đài sen, hiền hậu mà uy nghiêm. Ngôi chùa ba gian mang đậm kiến trúc truyền thống kết hợp với dấu ấn cửa biển: ngói vảy cá gắn phù điêu rồng mây uốn lượn, ở đỉnh mái cao nhất là một vòng tròn mô tả chiếc bánh lái của những con tàu, hai bên vòng tròn được đắp nổi đối xứng những họa tiết như: bông, nụ, lá sen. Hai bên nóc mái là hai ông nghê – linh vật trong tín ngưỡng dân gian của người Việt mang tinh thần lạc quan, sự hiền hòa, trí tuệ và linh thiêng. Tất cả hiện lên hài hòa trên nền trời xanh thẳm. Phía trước chùa, bức tường gỗ mộc gần gũi được che chắn bằng những chiếc mành trúc như ngôi nhà đơn sơ mà ấm áp. Hai bên bức tường xây có đắp nổi 2 phù điêu, một bên là hình tượng chúa sơn lâm dũng mãnh và một bên là
con cá uyển chuyển bơi lượn làm chủ mặt nước, nét phù điêu truyền thống hòa quyện trong hoa sen như bức tranh mộc về làng quê Việt.
Lão Trí quay ra hỏi ông Truyền:
– Sư thầy đâu rồi nhỉ?
Ông Truyền nhìn quanh cũng chưa thấy sư trụ trì đâu, bèn trả lời:
– Chắc thầy đang tụng kinh, thôi hai anh em mình cứ đi thăm thú một vòng chùa cho biết.

Mọi người lại rảo bước tản bộ quanh chùa để chiêm bái cảnh vật nơi này. Bước lên những bậc thềm đá, đi vào đại điện, không gian thờ phụng với ba gian thờ được sắp đặt tượng Phật, các vị la hán hộ quốc, cùng hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng, hệ thống cột, vì kèo vững chãi được chạm khắc công phu, tinh xảo với những hoa văn dân tộc thân thuộc. Từ trên chùa có thể nhìn bao quát toàn cảnh vịnh Cam Ranh trong không gian thoáng đãng. Cổng tam quan hướng xuống bờ vịnh, bên lan can đủ loài hoa giấy, hoa đại, hoa sứ đua nhau khoe sắc.
Đang mải ngắm nhìn bức tượng phật A Di Đà, Ngộ Trí lão sư nghe thấy đằng sau có tiếng bước chân nhẹ nhàng đi lại gần, một giọng nói thanh thoát cất lên với âm giọng vừa đủ:
– Chào mọi người, chào bác trưởng, các bác tới lâu chưa?
Nghe thấy giọng nói quen thuộc, ông Truyền quay đầu lại, mỉm cười đáp:
– Chào thầy, tôi vừa mới tới. Hôm nay xin phép thầy tôi có vài người bạn cùng đi.
Vị sư thầy mỉm cười nhẹ nhàng rồi nói:
– A Di Đà Phật, cửa chùa chúng tôi luôn rộng mở, lát nữa xin mời các bác vào thụ trai.
Mọi người nghe xong, đều cúi đầu cảm ơn. Sau đó vị sư thầy tiếp tục nói:
– Tôi có chút thuốc bổ, lát nữa phiền bác trưởng mang về gửi cho hai cụ nhà tôi.
Ông Truyền gật đầu mỉm cười đáp lại. Cùng lúc này ông thấy Ngộ Trí lão sư đang nhìn mình như đặt câu hỏi. Ông Truyền không nói gì, chỉ gật đầu cười rồi ra hiệu đi về phía Tố Tâm Đường để dùng cơm, rồi ông sẽ kể rõ.

Đi khỏi chính điện, Ngộ Trí lão sư vẫn không quên ngoái lại nhìn vị sư thầy kia. Một người nam giới xấp xỉ khoảng 40 tuổi, khuôn mặt hiền từ nhưng vẫn phảng phất nét hơi lo toan bận bịu. Tuy có nhiều điều khúc mắc trong lòng nhưng Ngộ Trí lão sư vẫn đi theo ông Truyền, có lẽ những câu hỏi của lão Trí sẽ được ông Truyền giải đáp lúc dùng cơm chay.
Bước xuống phòng ăn, nơi mà đạo Phật vẫn gọi là Tố Tâm Đường. Ba người học trò của lão Trí tỏ ra khá bất ngờ khi tại đây đã có chừng 7, 8 em bé đang ngồi ngay ngắn thẳng hàng chuẩn bị chờ đến giờ ăn cơm. Không nô đùa, không ồn ào, các bạn nhỏ ở đây đều tỏ ra vô cùng ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Người thì so đũa bát, người thì lau bàn ghế, người thì xới cơm chia cho các bạn, tất cả đều được thực hiện trong sự im lặng và nghiêm túc. Ngộ Trí lão sư quay sang hỏi ông Truyền:
– Sư thầy nhận nuôi trẻ mồ côi à?
Ông Truyền gật đầu, lặng im không nói gì, chỉ đưa tay chỉ về phía bàn ăn đã được sắp xếp của họ. Sau đó mọi người nhanh chóng vào chỗ để bắt đầu bữa ăn. Dãy bàn ăn của các vị sư trong chùa và mấy người khách như ông Truyền ở một bên, phía đối diện là dãy bàn ăn của các cháu bé. Chia ra
vậy bởi vì phần cơm của các em bao gồm cả thịt và đồ ăn mặn.
Sau khi mời cơm chúng tôi, sư thầy đi qua chỗ các bé đang ngồi ăn, mỉm cười vui vẻ nói gì đó động viên rồi trở về chỗ của mình. Lúc này Ngộ Trí lão sư đã ít nhiều hiểu tại sao vừa nãy ông lại cảm thấy trên khuôn mặt của vị sư thầy có chút lo toan bận bịu.
Bữa cơm trưa kết thúc, khi lũ trẻ lần lượt cầm mâm bát của mình đi rửa rồi ngoan ngoãn trở về phòng ngủ. Vị sư thầy mới bắt đầu ra ngồi trò chuyện với Ngộ Trí lão sư và một số nhà hảo tâm khác. Qua lời giới thiệu của ông Truyền, mọi người mới biết vị sư thầy vừa rồi là cháu ruột của ông Truyền, cũng chính là trụ trì chùa Long Sơn, pháp danh Đạo Quang. Lão Trí quay sang hỏi ông Truyền:
– Thầy làm trụ trì ở đây được bao lâu rồi ông? Hình như nhà chùa đang có việc bận?
Ông Truyền quay sang trả lời lão Trí:
– Thầy về đây cũng phải gần chục năm rồi. À mà anh xem giúp lá số của thầy thế nào chứ em thấy vất vả quá, đang tính nhận thêm mấy đứa trẻ mồ côi mà bị họ hàng chúng nó gây cản trở quá.
Ngộ Trí lão sư nghe ông Truyền nói vậy, ngạc nhiên quay ra hỏi:
– Ai da, chú cũng là cao thủ Tử Vi, không tự xem lại đi hỏi tôi.
Ông Truyền cười khổ đáp lại:
– Haha, làm sao em lại dám múa rìu qua mắt thợ. Chỉ riêng Phi Cung Tứ Hóa anh dạy, em vẫn chưa lãnh hội được thâm ý bên trong, thì sao có thể gọi là cao thủ được. Mọi thứ trên đời này đều phải có duyên, xem như ba chàng trai này có lẽ sở học đã vượt em nhiều phần. Vừa nói, ông Truyền vừa nhìn về phía ba người học trò của Ngộ Trí lão sư. Thấy vậy, Minh vội đưa tay ra phân giải:
– Ấy bọn cháu không dám ạ. Bọn cháu đây chỉ là lớp hậu bối đi theo thầy để có dịp học hỏi. Kiến thức cũng chưa có gì gọi là thành tựu. Thầy và bác là những người nghiên cứu y đạo lâu lắm. Nho y lý số có lẽ khó ai bì kịp.
Ông Truyền gật đầu mỉm cười, ông có vẻ rất thưởng thức thái độ lễ phép của Minh:
– Haha, đúng là học trò của lão sư có khác, học hạnh khiêm cung. Nhưng ta phải nói cho các cháu biết. Mọi sự trên đời này, ngoài chữ d uyên ra, còn chính là ngộ tính. Tuổi tác chỉ là thứ phân cao thấp của kẻ phàm phu. Hán Cao Tổ, Tần Thủy Hoàng, Chu Nguyên Chương đều thống nhất Trung Hoa khi chưa đến 40 tuổi. Khương Tử Nha, Tôn Tẫn, Gia Cát Lượng đều là những bậc đệ nhất mưu sĩ trong thiên hạ, tuổi đời lúc đó cũng mới ngoài 30. Vậy mới nói, trí tuệ không thể đánh giá bằng tuổi tác cho được.
Mạnh có chút tò mò, liền hỏi ông Truyền:
– Bác học Tử Vi lâu chưa ạ, bọn cháu thấy học Bắc Phái hay lắm, mà cũng không phải quá khó hiểu.

Ông Truyền nói:
– Ta cũng học lâu rồi, phải đến gần 20 năm. Nhưng gần như không có nhiều đột phá. Chỉ từ lúc được sư phụ các cháu chỉ dạy thêm cho về Bắc Phái mới thật sự có thêm chút tinh thông trong vận dụng Đẩu Số. Tuy nhiên do còn bận bịu công việc và nhiều thứ, nên vẫn chưa tiến nhập thêm được nữa. À lão sư huynh, đây là lá số của sư thầy, anh xem giúp em xem sao giờ đi tu rồi mà vẫn vất vả thế.
Ngộ Trí lão sư nghe vậy, chỉ cười khổ đáp:
– Haha, cái vất vả tôi với chú nhìn thấy nó chỉ là vất vả của trần thế. Góc nhìn đâu thể giống với nhà Phật.
Ông Truyền thấy vậy liền xua tay nói:
– Vất vả thì em không nói, đây còn bị làm phiền phức nữa anh ạ.
Ông Truyền bắt đầu kể lại cuộc đời của sư thầy Đạo Quang, cũng là người cháu ruột trong gia đình của ông. Tuy gia đình không giàu có, nhưng cũng đủ để sư thầy học hành tử tế hết 12 năm phổ thông. Là người thông minh sáng dạ nhưng sư thầy lại khá lận đận trong thi cử. Tuy không đỗ đại học nhưng với bản tính nhanh nhẹn hoạt bát của mình, ông tìm cách làm giàu bằng buôn bán nhưng lại bị thua lỗ, đã thế còn bị lừa một khoản tiền lớn và vướng vào pháp luật. Không còn gì trong tay, gia đình xa lánh, bạn bè hắt hủi, ông bỏ lên Đà Lạt lang thang một mình. Trong một ngày mà bản thân lang thang vô định, ông đã đi vào một ngôi chùa nhỏ ở gần xã Hiệp Thạnh. Đấy cũng chính là giây phút mà toàn bộ cuộc đời sư thầy thay đổi. Tiếng chuông chùa ngân vang, từng lời kinh Phật như thôi miên tâm trí một con người đang lạc lối. Sư thầy âm thầm ở lại Đà Lạt và xuất gia mặc cho sự can ngăn cùng cực của gia đình, lúc đó sư thầy tròn 22 tuổi.
Câu chuyện ông Truyền kể đều làm mọi người có những suy nghĩ của riêng mình. Trong lúc Ngộ Trí lão sư đang trầm ngâm, Mạnh liền lên tiếng:
– Có phải do cung Phu Thê của sư thầy hóa Kỵ tự xung vào chính nó và cung Tật Ách, nên mới vô duyên với trần tục không thầy?
Cẩn nghe thấy Mạnh hỏi vậy, bèn vỗ vai nói:
– Thầy dạy mà ông lại quên à, phi cung chỉ là nhân tâm. Nếu họ không động tâm thì cũng chả có cát với hung.
Minh nghe Cẩn nói vậy, gật đầu nói:
– Cẩn nói đúng đó. Nếu họ không đặt nặng tâm vào Phu Thê, hay không có quan hệ tình cảm với ai, thì có xung cũng chả ảnh hưởng gì. Cứ nhìn cung Tài Bạch thì rõ, nếu không đi buôn bán thì chắc gì đã thua lỗ. Đại vận 12 đi tới Huynh Đệ cung, Tài Bạch đại vận vừa vặn ăn đủ 2 kỵ của Tài Bạch tiên thiên và đại vận phi tới, nếu động tâm buôn bán, chắc chắn là lành ít dữ nhiều.
Mạnh nghe Minh và Cẩn nói xong, cũng nhìn lại lá số một lát rồi gật đầu nói:
– Đúng là tôi quên mất thật. Nếu nhìn kỹ lại mệnh bàn này. Tử Nữ cung cũng làm cho hóa Kỵ xung 2 tầng tiên thiên và đại vận xuống đại vận 22. Tài Bạch đại vận 22 cũng tự xung chính nó. Nếu đương số vẫn chọn lao theo con đường kinh doanh đầu tư, có lẽ chẳng biết bây giờ sẽ ra sao.
Dường như Minh lại có thắc mắc gì đó, cậu ta quay ra hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Nhưng thưa thầy, nếu đương số đã đi tu, nghĩa là gần như không còn dụng tâm vào những chuyện thế sự đúng không ạ?
Ngộ Trí lão sư mỉm cười gật đầu. Minh lại hỏi tiếp:
– Như vậy thì chuyện cát hung của các cung vị tương tác tới đương số sẽ giảm đi rất nhiều đúng không ạ?
Lão Trí nhìn Minh, lại tiếp tục gật đầu. Minh lại hỏi tiếp:
– Vậy tại sao sư thầy vẫn bị người nhà của mấy em bé mồ côi làm phiền hả thầy?
Mạnh nghe vậy liền nói:
– Ô, ông hỏi lạ nhỉ, làm phiền là việc người ta. Do người ta cố ý chứ mình biết sao được.
Tháng 6/2024 Kỳ 7 khosachquy.com 92
Minh thấy Mạnh nói vậy liền phản bác:
– Ông không hiểu thì có, khi mình không dụng tâm ở Nô Bộc nữa thì làm sao có khí của hóa Lộc hay hóa Kỵ tương tác tới được.
Cẩn thấy vậy cũng cố hỏi thêm vào:
– Nhưng quan trọng là sao đương số lại làm nhà sư hả thầy? Cái này có phải do ý trời không ạ?
Ông Truyền ở bên cạnh, thấy ba người học trò liên tục hỏi Ngộ Trí lão sư cũng có phần ngơ ngác. Tuy ông cũng từng được học qua tứ hóa phi cung, nhưng kỳ thật mới chỉ tiến nhập tới mức độ sơ khai. Ông biết phi hóa Lộc Quyền Khoa Kỵ để biết mức độ tương tác của các cung vị đơn lẻ tác động tới nhau, chứ chưa hề suy nghĩ sâu hơn tới việc lúc nào phi hóa có tác dụng, lúc nào không. Vì vậy ông đành tiếp tục lắng nghe mấy người học trò của Ngộ Trí lão sư tranh luận. Còn lão Trí, như thường lệ vẫn bị bủa vây bởi trùng trùng điệp điệp các câu hỏi của những người học trò. Tuy nhiên lần này thì những điều thắc mắc của bọn họ tiến tới liên tục, làm ông phải giơ hai tay rồi cười khổ nói:
– Ai da, hỏi ta từ từ có được không, làm cái thân già này khổ chết mất. Nào, từng người một bắt đầu đi.
Nghe Ngộ Trí lão sư nói xong, ba người học trò lại cười khì khì, rồi thúc tay nhau ra hiệu cho người kia hỏi trước. Vẫn như mọi khi, Mạnh bắt đầu thắc mắc với lão Trí:
– Thưa thầy, có phải số phận sắp đặt cho sư thầy phải đi theo con đường Phật pháp không ạ?
Ngộ Trí lão sư cười khổ rồi bắt đầu trả lời:
– Cuộc sống là những lựa chọn, ông trời không bao giờ bắt ai phải làm gì hay làm thế nào cả. Chỉ là luôn có những lựa chọn, những ngã rẽ trong cuộc sống mà thôi. Đương số Ất Sửu, hóa Lộc và hóa Quyền đều tập trung ở Tật Ách, cũng là tuyến Phụ Tật. Vì vậy đương nhiên nếu được làm công việc liên quan đến Phụ Mẫu thì đương số mới có thể được là chính mình. Mới có thể dụng được nguồn năng lượng của tứ hóa năm sinh. Tất nhiên cũng có người không làm những việc liên quan đến Phụ Mẫu.
Thấy lão Trí ngừng lại, ông Truyền ở cạnh cũng có chút thắc mắc liền hỏi:
– Đúng là trong những người có trùng lá số, không phải ai cũng làm nghề liên quan đến thầy, đến Phụ Mẫu anh nhỉ. Mà em thấy dù không liên quan đến Phụ Mẫu nhưng người ta cũng vẫn có thể thành công và giàu có chứ nhỉ?
Ngộ Trí lão sư nhìn ông Truyền, gật đầu mỉm cười đáp:
– Anh nói quả không sai. Không phải ai làm công việc không đúng với định vị của dụng thần thì sẽ không thành công. Thậm chí có người vẫn phát đạt. Nhưng vấn đề ở đây là gì, họ sẽ không được là chính bản thân họ. Giống như một người phụ nữ trẻ đẹp nhưng lại được gả cho người chồng già giàu có vì nghe theo lời cha mẹ. Hay giống như những đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có, đầy đủ vật chất nhưng không thể được ba mẹ dành thời gian vui đùa cùng. Họ có thể có vật chất, nhưng lại không hề có tinh thần, không được là chính họ. Ý nghĩa của dụng thần chính là vậy. Đó cũng là lý do khi sư thầy nghe thấy tiếng kinh đã như cảm thấy bị thôi miên, cảm thấy cửa chùa thanh tịnh mới là nơi mình thuộc về, nơi mình được gột rửa tâm hồn để là chính mình.
Nghe Ngộ Trí lão sư giải thích xong, ông Truyền và ba người học trò gật gù đồng ý. Mạnh như có điều gì vẫn chưa thông suốt, liền hỏi tiếp:
– Nhưng sao sư thầy đi tu, tránh xa xã hội rồi vẫn bị làm phiền hả thầy?
Lão Trí mỉm cười nói:
– Đây chính là việc lầm lẫn của mấy đứa. Sư thầy xuất gia đi tu để được an trú thanh tịnh là một chuyện. Còn việc có tương tác với xã hội hay không lại là một chuyện khác.

Nói rồi lão Trí quay ra hỏi cụ thể việc của bọn trẻ nhỏ. Lúc này ông Truyền mới thuật lại. Khoảng gần chục năm trước, khi sư thầy mới được bổ nhiệm về chùa làm trụ trì, cũng là lúc nhân duyên với những đứa trẻ bắt đầu. Mái chùa dần dần cũng trở thành mái ấm cưu mang, nuôi nấng những đứa trẻ bất hạnh. Trong số đó có những em tưởng chừng đã bị cuộc đời chối bỏ nay đã lớn lên, khỏe mạnh và được học hành đầy đủ. Các em được nhận nuôi ở chùa Long Sơn đều có những hoàn cảnh khá đặc biệt. Có em bị bỏ rơi từ lúc mới sinh, có em bố mẹ mất sớm, bố mẹ bị tâm thần hoặc không có bố hoặc mẹ, người còn lại cũng không có khả năng nuôi dưỡng. Nhớ lại những ngày đầu của
những người đàn ông tập “làm mẹ”, những con người muốn trút hết bụi trần cũng thật lắm gian nan. Từ những bữa cơm trộn sắn đến những buổi chằm nón lá để có tiền mua sữa cho các em. Thế rồi, bằng tình yêu thương, những người đàn ông mặc áo nâu sòng cùng đàn con nhỏ cũng vượt qua tất cả. Dần dần tiếng lành đồn xa, tình thương và lòng bao dung của những người cha bất đắc dĩ đã lay động con tim của những mạnh thường quân gần xa. Với sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, bữa ăn của các em cũng đã có thịt, đêm nằm không còn phải co ro vì lạnh nữa. Các em được nuôi dạy như một gia đình lớn, được đến trường để học con chữ. Nhưng khi vật chất bắt đầu đầy đủ, cũng là lúc
lòng tham con người nổi lên. Người nhà, họ hàng của những em nhỏ được chùa nuôi dưỡng, những người đã không sẵn sàng dành tiền bạc, dành tình yêu thương để nuôi nấng và chăm sóc cho những đứa nhỏ, nay quay lại gây áp lực với chùa, với sư thầy. Họ vòi vĩnh tiền bạc từ nhà chùa khi thấy các nhà hảo tâm đến ủng hộ, làm cho sư thầy và nhà chùa vô cùng đau lòng và mệt mỏi.

Câu chuyện của ông Truyền làm cho không khí trầm xuống. Cẩn nhìn về phía dãy phòng của các bạn nhỏ, đôi mắt cậu có chút ngấn lệ vì đồng cảm với tuổi thơ của mình. Minh như muốn phá vỡ không khí buồn bã của mọi người, cậu liền nói với Ngộ Trí lão sư:
– À đúng rồi, vậy là sư thầy vẫn tương tác với lũ trẻ nhỏ thầy nhỉ?
Ngộ Trí lão sư gật đầu rồi tiếp tục nói:
– Mệnh bàn đương số, dụng thần Lộc Quyền song tượng. Vì vậy đương nhiên là người có nhiều hoài bão, thích kinh doanh buôn bán, thậm chí còn muốn làm lớn hơn người. Tuy nhiên khi kinh nghiệm trình độ chưa đủ, cộng với vận hạn xấu thì việc thất bại trong thương trường là hoàn toàn dễ hiểu. Làm thầy cũng có thể coi như một loại nghiệp lực. Thường thì những người có vấp ngã hoặc gặp thất bại trong cuộc sống sẽ có xu hướng đi tìm lời giải cho bản thân, cũng có thể họ muốn sống
chậm lại để hiểu nhân sinh. Đương số dụng thần Lộc Quyền định vị tại Phụ Tật tuyến, sau khi kinh doanh thất bại mà đi tìm về bản ngã của mình, để được làm công việc liên quan đến Phụ Mẫu cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng vấn đề ở đây là gì, dù sư thầy đi tu nhưng vẫn có lòng nhân hậu, muốn nhận nuôi các bé trẻ mồ côi, chữ “muốn” này chính là một dạng khởi tâm động niệm. Khi động tâm muốn nuôi trẻ nhỏ, chính là động đến tuyến Tử Điền, vì vậy ắt ngược khí dụng thần, đương nhiên làm sư thầy lao lực mệt mỏi, thậm chí còn liên quan đến giấy tờ luật pháp kiện tụng.
Bấy giờ mọi người xung quanh mới ồ lên như hiểu ra vấn đề. Duy chỉ có ông Truyền vẫn còn chút ngơ ngác, ông lại hỏi lão Trí:
– Vậy là phải chấp nhận chuyện này hả anh?
Ngộ Trí lão sư cười đáp:
– Đôi khi có những chuyện trong cuộc sống, muốn mà không được. Chỉ cần không thẹn lòng mình, một lòng hướng thiện, luôn theo chánh đạo thì mọi chuyện sẽ an lành. Chỉ là sư thầy sẽ vất vả hơn bình thường mà thôi.
Mọi người vẫn đang âm trầm nghĩ về những lời lão Trí nói. Bỗng như nhớ ra điều gì, Ngộ Trí lão sư vỗ vai ông Truyền bảo:
– Anh chở tôi đi mua ít đồ đi, không biết là sư thầy có nuôi các cháu nhỏ. Tôi cũng muốn tặng các cháu ít đồ dùng.

Mọi người liền đi ra chợ, ghé vào mấy hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm mua cho các cháu ở chùa đồ ăn, quần áo cũng như dụng cụ học tập. Sau đó mọi người cùng quay lại chùa, lúc đến nơi đã thấy sư thầy đang hướng dẫn các em để chuẩn bị vào buổi thiền. Các bạn trẻ thấy có người mang quà và quần áo mới tới, đôi mắt đều sáng lên, chạy đến bên lão Trí và mọi người, ánh mắt hồn nhiên thật trong sáng. Có lẽ rằng, thứ những đứa trẻ này muốn chưa chắc đã phải là những món đồ mới kia. Mà có lẽ là tình thương, là sự quan tâm và chăm sóc của mọi người.

Một ngày ý nghĩa tại chùa Long Sơn làm cho ba người học trò của lão Trí có những cảm xúc thật khó tả. Hạnh phúc, sẻ chia, trách nhiệm và tôn trọng, đó có lẽ là những gì họ nhìn thấy, những gì họ cảm nhận được từ mái chùa của sư thầy Đạo Quang, từ ánh mắt ngây thơ của những em bé mồ côi, đến những cử chỉ, hành động ân cần của Ngộ Trí lão sư với bọn trẻ. Càng nhìn vào Khâm Thiên Tứ Hóa, chúng ta lại càng thấy được cuộc sống nhân sinh, thấy được những thứ giản dị đời thường trong đó. Vì dù sao đối với mỗi con người, họ sẽ thật sự được sống, được là chính mình, được bình yên an trú trong suy nghĩ của bản thân khi họ được làm những công việc đúng với bản ý mà dụng thần của họ đã định sẵn.

Trả lời