GIAO CẢM
6 giờ sáng, Minh và Mạnh đã đậu xe chờ sẵn Ngộ Trí lão sư ngoài đầu ngõ. Sau một hồi đấu trí,
tranh giành rồi đến phân giải, thỏa thuận, Cẩn là người chấp nhận ở nhà làm việc để Minh và Mạnh
lên đường cùng lão Trí. Bù lại, chuyến công tác lần sau cậu sẽ được tham gia. Còn một trong hai người kia sẽ phải luân phiên ở nhà.
Chiếc xe SUV chở ba người đi theo đường Giải Phóng, qua bến xe Giáp Bát, rẽ vào cao tốc Pháp
Vân – Cầu Giẽ, từ đó thẳng hướng Phủ Lý để tới Ninh Bình. Xe đi chưa được bao lâu, Mạnh đã quay ra
hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Thầy, thầy nói nốt cho chúng con cách xác định tâm tính của anh Hiếu đi.
Minh ở bên cạnh cũng nói chen vào:
– Vâng, đúng rồi ạ. Bọn con nghĩ mãi mà không hiểu thầy ạ.
Ngộ Trí lão sư nghe xong, liền cười khổ bảo:
– Ai da, hai đứa đi đâu còn chưa biết mà đã lôi Tử Vi ra hỏi ta thế.
Mạnh tuy tay cầm vô lăng nhưng miệng vẫn phì cười vì câu nói của lão Trí. Minh thì nhanh
nhẹn trả lời:
– Bọn con xin lỗi thầy, tại ham kiến thức quá. Mình đi đâu ở Ninh Bình mà sáng ra thầy đã mang
lên xe bao nhiêu thuốc thế hả thầy.
Ngộ Trí lão sư trả lời:
– À, chỗ Bảo Cốt Vương và ít thuốc bổ này ta mang đến cho một người bạn cũ. Tiện thể khám
bệnh cho bà ấy luôn. Mà hai đứa đã nghĩ ra tại sao Thảo lại có những nhận xét tiêu cực về chồng mình vậy chưa?
Minh ngồi bên trên, vừa nói tay vừa lấy trong ba lô chiếc ipad có ảnh lá số của Hiếu và Thảo:
– Chưa thầy ạ, thầy giảng giúp bọn con với.
Ngộ Trí lão sư nhắm mắt, nhớ lại lá số của hai người kia trong giây lát rồi bắt đầu:
– Hai đứa phải nhớ, trong Bắc Phái, tâm – ý – khí là ba thứ tối quan trọng. Khi chúng hướng về
đâu, thì con người ta đặt nặng chỗ đó nhất, suy nghĩ về nó nhiều nhất, dành nhiều tình cảm cho nơi
đó nhất. Chẳng thế mà có những người mẹ lại không hề yêu thương con cái, chỉ muốn đi tìm nhung
lụa bên ngoài. Còn có những người tuy không khá giả, nhưng họ lại dang tay cưu mang hàng chục đứa trẻ mồ côi. Trên thế gian này, không thể lấy cái chung ra nhận xét cái riêng. Mỗi người họ sẽ có một thế giới quan riêng, yêu ghét cũng đặt từng nơi khác nhau. Vì vậy, muốn hiểu được nhân tâm, hiểu được lòng người, không có cách gì khác là quan sát họ, xem xét tâm – ý – khí của dụng thần trong lá số họ chảy về đâu. Sẽ hiểu được họ là ai, tính cách như thế nào.
Nghe xong, Mạnh vẫn còn đang suy nghĩ thì Minh bèn nói:
– Có nghĩa là anh Hiếu không hẳn là người cộc cằn khó tính. Mà chỉ là trong quan hệ vợ
chồng anh ấy mới như vậy. Và trong 12 cung vị, mỗi cung vị là một loại quan hệ tương tác của
đương số với xã hội.
Ngộ Trí lão sư mỉm cười gật đầu:
– Đúng rồi đó, đó cũng là lý do vì sao mấy đứa thấy Hiếu khi vào công việc đều rất nghiêm túc,
khẩn trương và có phần nóng tính.
Mạnh như hiểu ra, liền bấm còi xe 1 tiếng rồi nói:
– Haha, con hiểu rồi, hay thật, hay thật. Quả là như vậy! Anh Hiếu chắc chắn dụng thần là hóa
Lộc phải không thầy?
Lão Trí gật đầu nói:
– Đúng vậy.
Minh đang suy nghĩ mà chưa thông, bèn hỏi Mạnh:
– Sao lại hóa Lộc hả ông?
Mạnh đắc chí, cười lớn:
– Haha, thường ngày thông minh lắm cơ mà, sao hôm nay có vẻ chậm nhỉ!
Minh cười trừ đáp:
– Thì thi thoảng nó cũng chậm một chút để ông vượt lên chứ, haha. Nào nói đi.
Mạnh ra vẻ đạo mạo, bắt đầu giải thích:
– Dụng thần chị Thảo trong lá số của hai người, đương nhiên là Liêm Trinh Kỵ. Cái này không
cần suy nghĩ. Tuy nhiên, để xét quan hệ của hai người đó theo lời nhận xét của chị Thảo, cần phải nhìn từ lá số của chị ấy. Vì nó là góc nhìn, là thế giới quan chị ta. Trong 3 dụng thần nam nhân còn lại. Cả Thiên Cơ Quyền và Văn Xương Khoa đều không phù hợp, vì cả hai dụng thần đó đều quan tâm đến tình cảm gia đình. Vì vậy con loại trừ, chỉ còn Thiên Đồng Lộc. Đúng không hả thầy?
Ngộ Trí lão sư hỏi Minh:
– Vậy Minh thì sao?
Minh trả lời:
– Con cũng nghĩ giống Mạnh thầy ạ, cũng đúng với lời nhận xét của chị Thảo, và cũng đúng với
tính cách của anh ấy trong chính lá số của anh Hiếu. Vui vẻ, thông minh, hơi có chút thanh niên trẻ
trung.
Ngộ Trí lão sư gật đầu mỉm cười đáp:
– Hai đứa nói đúng đó. Nhưng mấu chốt ở đây chính là sự ngược khí dụng thần của Thảo và
chồng trong chính lá số của cô ta. Khi bị ngược khí dụng thần, chẳng thể nào hai người đó hòa hợp
được. Phu Thê cung còn có Quyền tinh tọa thủ. Loại Quyền Kỵ tượng này hình thành thì thật khó mà
khiến tình cảm gia đình êm ấm.
Mạnh ở bên trên nói lớn:
– Hay, hay quá thầy ạ. Bắc Phái chỉ cần dùng khí mà có thể thấu hiểu được nhân tâm của con
người, thật là thần kỳ.
Ngộ Trí lão sư cười khổ:
– Thôi thôi, lại định hỏi gì ta thế. Cho ta chợp mắt một chút. Khi nào đến thành phố nhớ gọi ta
dậy.
Chợp mắt chưa được 1 tiếng, xe đã đưa Ngộ Trí lão sư và hai người học trò đến thành phố Ninh
Bình. Cảnh vật phố thị sầm uất bắt đầu hiện ra trước mặt. Ninh Bình nằm ở vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Vì vậy địa hình nơi đây cũng sở hữu nét hòa trộn của cả ba vùng trên. Vừa có vùng đồi núi và bán sơn địa ở phía Tây Bắc như Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp. Vừa có vùng đồng bằng ven biển ở phía Đông Nam như Kim Sơn và Yên Khánh, nhiều hồ nước lớn tự nhiên. Xen giữa hai vùng địa hình lớn đó là vùng chiêm trũng chuyển tiếp. Vì vậy, nơi đây được ví như vịnh Hạ Long trên cạn, một vẻ đẹp kì vĩ, hoang sơ của sông nước núi non, của những cánh đồng lúa mênh mông, những đầm sen tọa lạc bên cạnh vách núi sừng sững đã tạo bức tranh hữu tình, sống động.
Nông nghiệp Ninh Bình có lợi thế phát triển ngành nông nghiệp đa dạng nhiều thành phần. Các vùng chuyên canh nông nghiệp chính của tỉnh như vùng nông trường Đồng Giao, vùng Kim Sơn, khu vực làng hoa Ninh Phúc, Ninh Sơn. Ngoài ra, một số huyện Gia Viễn, Nho Quan, Hoa Lư cũng là khu vực phát triển nhiều giống cây dược liệu quý như Kim Ngân, Tam Phỏng,… một trong những nơi Ngộ Trí lão sư đã đến khảo sát và chọn làm vùng cung ứng dược liệu cho công ty.
Do có địa thế đặc biệt, nằm ở vùng cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Nên mảnh đất này còn mang trong mình những nét lịch sử văn
hoá, là nơi lưu giữ những di tích thời xưa còn sót lại về các triều đại vua chúa thời Đinh, Lý, tiền Lê.
Đang mải ngắm nhìn cảnh sắc hai bên đường, Ngộ Trí lão sư bèn cất tiếng:
– Có ai nói cho ta biết vì sao trước kia Đinh Tiên Hoàng lại đóng đô tại Hoa Lư không?
Minh và Mạnh nhìn nhau, cả hai ậm ờ không nói gì. Lão Trí thấy vậy bèn cười đáp:
– Haha, ta mà hỏi Tràng An, Bái Đính, rồi Tam Cốc Bích Động đi đường nào thì chắc biết rõ hả?
Mạnh vừa lái xe vừa cười khì nói lại:
– Vâng, quả thật là bọn con chưa tìm hiểu thầy ạ.
Ngộ Trí lão sư gật đầu, chậm rãi nói:
– Hoa Lư là nơi núi non trùng điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Căn cứ thủy bộ rất thuận
tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả. Khi kinh đô Cổ Loa nằm ở vùng đồng bằng không giữ vững được ổn định, triều đình nhà Ngô rối ren dẫn đến loạn 12 sứ quân thì căn cứ quân sự Hoa Lư ở ngoại biên châu thổ sông Hồng trở lên lợi hại hơn cả, Đinh Tiên Hoàng nhờ đó dẹp tan tình trạng cát cứ, giành lại thống nhất cho đất nước. Các vua Lê Đại Hành và Lê Long Đĩnh sau này luôn giữ vững được kinh đô trong các trận đánh dẹp các thế lực thù địch. Đó là về mặt địa thế chiến lược.
Minh nghe xong liền hỏi tiếp:
– Thế còn về mặt nào nữa ạ, có phải mặt thẩm mỹ không hả thầy?
Ngộ Trí lão sư gật đầu, tiếp tục nói:
– Cũng có thể gọi là vậy. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, khi lên làm vua, Đinh Tiên Hoàng đã
chọn được chỗ đất hẹp ở Đàm Thôn, vua muốn dựng đô ở đó, nhưng vì thế đất hẹp lại không có lợi về đặt hiểm, nên đóng đô ở Hoa Lư. Ngoài ra, ở đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa, xứng đáng chọn để dựng đô được.
Mạnh đang cầm lái, gật gù lên tiếng:
– Đúng là lịch sử hay thật. Hồi trước bọn con chỉ chăm chăm học mấy môn toán lý hóa ngoại
ngữ để đi thi mà quên mất những môn lịch sử, địa lý cũng vô cùng quan trọng và lý thú.
Ngộ Trí lão sư mỉm cười nói:
– Phàm trước khi bắt đầu làm việc gì đó, chúng ta cần quan sát, tìm hiểu đặc điểm lịch sử và
những thứ xung quanh nó. Khi các cậu mua một ngôi nhà, cũng cần tìm hiểu lai lịch ngôi nhà, mảnh
đất đó. Khi dự định làm việc tại một công ty, cũng cần tìm hiểu lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của công ty đó. Tử Vi cũng vậy, có muôn vàn môn phái, muôn vàn cách tiếp cận. Vì vậy cần thấu tỏ lịch sử của nó, lịch sử hình thành các hệ phái. Cách nó nhìn nhận thực tế cuộc sống, cách nó giải thích, suy luận và áp dụng những thủ pháp vào những tình huống khác nhau trong mỗi hoàn cảnh, cuộc đời con người trong lá số. Từ đó mới thực sự tìm cho bản thân được con đường đi đúng đắn nhất. Lịch sử có thể không cho chúng ta biết được tương lai. Nhưng nếu hiểu được quá khứ, chúng ta sẽ biết mình là ai trong dòng chảy tiếp theo của nó.
Mạnh nghe xong, trả lời Ngộ Trí lão sư:
– Vâng, bọn con hiểu rồi thầy ạ. Mà thầy cho con xin địa chỉ nhà người bạn của thầy với.
Ngộ Trí lão sư cầm điện thoại, gửi định vị tới cho Mạnh. Cậu ta xem xong, ngạc nhiên đáp:
– Ơ, sao lại đi vào khu du lịch sinh thái Thung Nham hả thầy?
Ngộ Trí lão sư gật đầu nói:
– Ừ, nhà cô ấy ở trong đó mà.
Minh nghe vậy, giật mình đáp:
– Ôi, bạn của thầy toàn đại gia.
Ngộ Trí lão sư liền nói:
– Haha, chắc số ta nó vậy. Tiện thể gặp cô Huyền, các cậu sẽ có thêm góc nhìn về giao cảm trong
hôn nhân và tình duyên.
Mạnh nghe vậy, tò mò hỏi luôn Ngộ Trí lão sư:
– Là sao hả thầy, cô Huyền ấy là người như thế nào ạ?
Minh ở cạnh, vỗ vai Mạnh nói:
– Ông chỉ được cái gì cũng nhanh, cứ bình tĩnh thầy sẽ chỉ cho.
Xe của ba người đã đến cổng khu sinh thái. Sau cuộc gọi của Ngộ Trí lão sư, bảo vệ hướng dẫn
Mạnh đánh xe vào bãi để. Một chiếc xe điện du lịch xuất hiện sau đó đưa mọi người đi theo một lối đi
khác, tới một căn nhà sàn khá to và bề thế. Ở cửa, một người phụ nữ ngoài ngũ tuần đã đứng đợi từ
trước. Thấy Ngộ Trí lão sư, bà tiến tới, nở một nụ cười. Đôi chân tuy chậm chạp, cảm giác như có chút khập khiễng khó đi nhưng khuôn mặt bà lại toát lên vẻ phúc hậu, rạng rỡ. Thấy người phụ nữ tiến lại, Ngộ Trí lão sư liền nói:
– Ôi, Huyền, em ra làm gì, cứ ở trong nhà chứ.
Người phụ nữ vui vẻ đáp lại:
– Anh Trí, em phải ra để xem dạo này anh thế nào chứ. Lâu lắm rồi không gặp.
Ngó thấy Mạnh và Minh đi sau bê theo mấy túi hộp lỉnh kỉnh, người phụ nữ nhăn mặt cười khổ:
– Lại đem gì cho em lắm thế, em còn thiếu gì nữa sao. Qua thăm em là vui rồi.
Ngộ Trí lão sư thấy vậy liền nói:
– Đây là mấy sản phẩm bổ xương khớp của công ty, anh trực tiếp tham gia bào chế. Gửi cho em
một ít dùng thử. Còn ít viên hoàn này em nhờ người gửi sang bên đó cho anh Trang.
Bà Huyền nghe xong, vui vẻ kêu người giúp việc nhận lấy rồi mời ba người vào nhà uống nước.
Ngôi nhà sàn lớn nhưng đồ đạc bên trong khá giản dị và vô cùng tinh tế. Những cây bonsai được cắt tỉa tỉ mỉ, uốn theo những hình thế độc đáo được đặt khéo léo ở nhiều vị trí trong phòng khách. Ở giữa
phòng là một bình rượu nếp Kim Sơn lớn được mạ vàng. Xung quanh còn treo một số sản phẩm truyền thống làm bằng tre rất cầu kỳ. Điểm xuyến ở một góc căn phòng đó là một bộ sưu tập đồ cổ thời vua Đinh được bày trên các giá gỗ. Bất kể ai, khi bước vào ngôi nhà đều có thể nhận ra chủ nhà là người tuy giản dị nhưng lại có con mắt thẩm mỹ và thú chơi vô cùng tinh tế.
Cuộc hàn huyên của Ngộ Trí lão sư và bà Huyền diễn ra như không kể thời gian. Hai người họ
nói hết chuyện trên trời dưới biển. Vốn anh trai của bà là một người bạn thân của Ngộ Trí lão sư, nhưng nay đã định cư bên Mỹ. Chỉ có bà ở đây cùng hai cậu con trai. Lão Trí trong quá khứ cũng đã từng không ít lần giúp đỡ anh trai và các con của bà vượt qua nhiều kiếp nạn. Để rồi cùng với vốn liếng và quan hệ từ thời cha ông để lại, hai người con bà đã xây dựng lên khu sinh thái này. Theo lịch trình, Ngộ Trí lão sư chỉ qua chơi và thăm bà Huyền trong buổi sáng rồi kiểm tra sức khỏe giúp bà. Tuy nhiên, do bận việc đột xuất trong họ tộc sáng nay nên bà nhất quyết mời Ngộ Trí lão sư cùng hai cậu học trò ở lại đây chơi để buổi tối dùng cơm tối với bà và các con. Sau đó sáng mai sẽ đi thăm quan một số nơi trong khu sinh thái.
Hơn 3h chiều, khi Ngộ Trí lão sư cùng hai người học trò đang đi dạo trong khu nhà sàn ngắm cảnh hồ nước mênh mông thì chiếc xe chở bà Huyền xuất hiện. Bà từ từ đi xuống, tiến về phía lão Trí
và nói:
– Anh cùng mọi người lên xe đi, em dẫn đến khu này.
Ngộ Trí lão sư hỏi lại:
– Hôm nay ăn tối sớm thế hả em?
Bà Huyền mỉm cười, lắc đầu nói:
– Mọi người cứ theo em, bí mật.
Chiếc xe chở bà Huyền và mọi người dừng lại trước cổng vườn chim Thung Nham. Tại đây, một
chiếc xuồng máy nhẹ nhàng đưa Ngộ Trí lão sư và mọi người thong dong lướt trên mặt hồ. Khu bảo tồn vườn chim Thung Nham tọa lạc giữa hồ Tiên xanh mát, phải rộng đến gần 20ha. Hồ nước thơ mộng, trong xanh 4 mùa, du khách có thể đi dạo, ngắm cảnh quanh hồ.
Đây là nơi cư trú của nhiều loài chim quý hiếm. Có khoảng 5000 tổ chim các loại, thuộc 46 loài
như vạc, cò, diệc, mòng két, chích chòe lửa… và những loại chim quý như hồng hạc hay phượng hoàng được ghi vào sách đỏ. Trong đó, Hồng Hoàng là linh vật nằm trong bộ tứ linh gồm Long – Ly – Quy – Phượng trong văn hóa châu Á. Đây là loài chim thường biểu tượng cho sự cao quý và đức hạnh, có sức mạnh hồi sinh, cũng như mang đến những điềm lành cho đất nước.
Cứ khoảng đến 5,6 giờ chiều, hàng ngàn con chim chao lượn rợp trời, lũ lượt bay về tổ, bao quanh
những dãy núi đá vôi to in bóng dưới làn nước trong xanh, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình,
đẹp đến mê hồn.
Đang ngắm nhìn phong cảnh mây trời, Ngộ Trí lão sư quay sang hỏi bà Huyền:
– Em dạo này thế nào? Vẫn ở một mình hay đã có ai bầu bạn chưa?
Bà Huyền nghe thấy lão Trí hỏi, lắc đầu cười mỉm nói:
– Vẫn thế anh ạ, cũng có nhiều người muốn bầu bạn mà em thấy không ổn.
Lão Trí nghe vậy lại hỏi tiếp:
– Không thì sang Mỹ ở với ông Trang, chứ ở đây con cái nó bận việc đi suốt. Một mình lủi thủi
làm sao tốt cho sức khỏe được.
Bà Huyền lắc đầu cười khổ:
– Chắc là do số phận, trước anh cũng nói với em rồi mà, có những thứ đôi khi mình muốn mà
chẳng thể lựa chọn. Nó cứ như hai đường thẳng song song, mãi mãi chẳng có sự đồng cảm.
Trong ráng chiều hoàng hôn đỏ ối đang buông hờ trên những ngọn cỏ lau. Ánh mắt bà Huyền như vô
thức, lơ đãng nhìn xa xăm. Dường như cuộc sống luôn công bằng với tất cả mọi người. Cuộc sống vật chất của bà Huyền có lẽ là thứ mọi người đều mong ước, thế nhưng ẩn sâu trong tâm hồn và trái tim bà là cả một khoảng trống mênh mông đầy trăn trở.
Bữa cơm tối ngoài bà Huyền và ba người phía Ngộ Trí lão sư, thì còn có mặt Tráng, con trai thứ hai của bà. Không khí khá vui vẻ và đầm ấm. Những món ăn đặc sản của cố đô Hoa Lư đều có mặt trên
mâm cơm. Với bàn tay tài hoa của những đầu bếp trong khu sinh thái, mọi người đã được thưởng thức những món ngon chuẩn vị từ thịt dê, ốc núi, gỏi nhệch cho tới nem chua và rượu cần.
Sáng hôm sau, ba người Ngộ Trí lão sư thức dậy từ khá sớm do đã được con trai của bà Huyền
bố trí nhân viên đưa đi tham quan các điểm du lịch trong khu sinh thái.
Khu du lịch sinh thái Thung Nham thuộc vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An, nằm
ngay cạnh khu du lịch Tam Cốc – Bích Động. Trong tiếng Hán Việt, Thung Nham có nghĩa là thung
lũng có vách đá dựng đứng, hiểm trở bao quanh. Toàn bộ khu du lịch có tổng diện tích hơn 300ha. Đây là nơi cư trú của 109 loài thực vật, 150 loài động vật, hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch sinh thái hấp dẫn như câu cá, leo núi, tham quan rừng ngập mặn, các hang động. Ngoài những khu đầm chim rộng lớn, mọi người có thể lênh đênh bằng con thuyền nhỏ trôi hững hờ trên sông, chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ, và động thực vật hai bên bờ.
Chiếc xe điện đưa ba người lão Trí đi dạo quanh các điểm du lịch. Ngồi trên xe, Minh quay sang
hỏi lão Trí:
– Con thấy cô Huyền cứ có vẻ gì đó hơi buồn buồn thầy nhỉ.
Ngộ Trí lão sư gật đầu nói:
– Gia đình cô ấy trước kia thuộc tầng lớp khá giả, kết hôn từ sớm nhưng do hôn nhân đổ vỡ, cô ấy một mình chăm sóc hai người con trai. Suốt mấy chục năm nay không hề kết hôn với ai nữa. Cũng
đã từng có tình cảm với một vài người nhưng đều không có kết quả.
Mạnh như nhớ ra điều gì liền nói:
– À hôm trước thầy có nói bọn con cô Huyền là trường hợp hay về giao cảm trong hôn nhân.
Thầy có lá số cô ấy không hả thầy.
Ngộ Trí lão sư gật đầu, đọc ngày giờ sinh thần của bà Huyền cho hai người học trò. Minh và
Mạnh lần lượt lấy điện thoại ra và xem lá số của bà Huyền. Một lúc sau Mạnh nói:
– Ô, cô ấy cũng can Bính. Thế này thì phải có nhiều mối tình chứ thầy nhỉ?
Minh sau một hồi suy nghĩ, cũng cất tiếng hỏi Ngộ Trí lão sư:
Con thấy người ta cứ kháo nhau rằng xem người phối ngẫu đầu tiên thì nhìn cung Phu Thê, người phối ngẫu thứ hai thì xem cung Nô Bộc, liệu vậy có đúng không thầy nhỉ?
Nghe xong câu hỏi của hai người học trò, Ngộ Trí lão sư mỉm cười đáp:
– Nếu vậy người sếp đầu tiên nhìn cung Phụ Mẫu, người sếp thứ hai sẽ nhìn cung gì? Người anh chị em đầu tiên nhìn cung Huynh Đệ, người anh em thứ hai nhìn cung gì? Người con đầu tiên nhìn cung Tử Tức, người con thứ hai nhìn cung gì?
Minh và Mạnh nhất thời không có lý lẽ phù hợp, đành trả lời:
– Như vậy nghĩa là không đúng thầy nhỉ?
Lão Trí suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
– Hai đứa phải hiểu rằng, qua hàng trăm, hàng ngàn năm tồn tại, qua nhiều bối cảnh xã hội, qua
mục đích sử dụng khác nhau. Tử Vi sẽ bị thay đổi, biến hóa theo nhu cầu và mục đích của người nghiệm lý và sử dụng. Tuy nhiên không phải lúc nào nhu cầu đó cũng phát huy giá trị thực tế của Tử
Vi, mà đôi khi còn làm nó bị méo mó, xê dịch. Mỗi cung vị trong bàn cục lá số đều là một không gian
tương tác cụ thể của đương số. Đó chính là sự tương tác về sự việc. Còn khi con người tương tác với con người, đó là sự tương tác về phần nhân. Nếu không hiểu về bản chất mà định tượng nhân sự vật một cách lầm lẫn, bừa bãi thì càng ngày sẽ càng sinh ra những góc nhìn lệch lạc và sai lầm.
Minh nghe xong, liền hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Nghĩa là Phu Thê cung chỉ nói về sự tương tác cơ bản của đương số với người phối ngẫu. Còn
cụ thể ra sao cần phải xác định được dụng thần của người phối ngẫu đúng không thầy?
Ngộ Trí lão sư gật đầu:
– Đúng, chính xác là vậy, Phu Thê chỉ là cung vị nói về sự tương tác chung nhất trong hôn nhân
đối đãi của đương số. Hay đơn giản đó chính là tương tác về sự vật, sự việc. Còn tốt xấu mạnh yếu cụ thể ra sao. Cần phải định tượng người phối ngẫu trong bàn cục lá số. Đó chính là định tượng về nhân. Khi nhân sự vật đầy đủ, mới có thể đủ căn cứ để kết luận mối quan hệ đó như thế nào. Khi mỗi cặp nam nữ giao cảm khác nhau, sẽ có những kết quả khác nhau. Đó chính là cái lý của Tử Vi, chứ không hề là việc người đầu tiên ở cung Phu Thê, người thứ hai ở cung Nô Bộc.
Mạnh hiểu ra tâm ý của Ngộ Trí lão sư, gật đầu lia lịa đáp:
– Cám ơn thầy, con hiểu rồi. Quả thật tinh thâm. Đúng là khi con người ta không hiểu cái lý, thường hay suy diễn linh tinh để cố lắp ghép, gọt chân cho vừa giày.
Minh hình như vẫn có gì đó lăn tăn, liền hỏi tiếp:
– Con cũng hiểu rồi thầy ạ, nhưng sao rõ ràng lá số cô Huyền có nhiều giao cảm với nam nhân.
Cũng có thể nói là khá đào hoa, vậy sao đến giờ vẫn cô đơn thầy nhỉ. Hay là do hành vận không thuận lợi, duyên đến duyên đi nhanh chóng ạ?
Ngộ Trí lão sư không nói gì, cố ý muốn để hai người học trò suy nghĩ thêm. Mạnh ở bên cạnh
nói vào:
– Ơ, thì có thể do người ta không muốn nữa. Dù sao thì nhân tâm vẫn là thứ chi phối con người
mà ông. Duyên đã khởi nhưng người ta nói không hoặc do dự không quyết thì cũng không thể hình
thành được. Chuyện cưới xin cũng là như vậy, chỉ có thể nói là có nhân duyên, chứ làm sao nói chắc
chắn sẽ lên kiệu hoa được.
Sau khi Minh và Mạnh bàn luận một hồi, Ngộ Trí lão sư mới bắt đầu lên tiếng:
– Hai đứa có thể thấy trong bàn cục lá số của cô Huyền. Liêm Trinh Kỵ nữ tinh tọa tại Điền Trạch. Ba nam tinh Thiên Đồng, Thiên Cơ, Văn Xương lần lượt nằm tại Phụ Mẫu, Phu Thê và Thiên Di cung. Tại đây đều có giao cảm nam nữ, vì vậy chuyện tình cảm nhân duyên phát sinh trong đời người phụ nữ này hoàn toàn không hề thiếu. Thế nhưng, vấn đề quan trọng nhất trong giao cảm đó chính là sự hòa hợp âm dương. Khi âm dương hòa hợp, thiên địa hợp nhất, nam nữ quyến luyến giao tình thì chuyện tình cảm mới có thể thấu hiểu và bền chặt. Nếu không cũng sẽ chỉ là chuyện nhất thời, đồng
sàng dị mộng.
Minh nghe xong thốt lên:
– A, con hiểu rồi, tất cả giao cảm ở đây đều là cô dương. Mà cô dương thì bất sinh, khó có thể
hòa hợp lâu dài.
Ngộ Trí lão sư gật đầu:
– Đúng là vậy đó. Vì thế dù trong lòng đương số luôn luôn mong mỏi tìm được một mái ấm gia
đình, một người nam nhân bầu bạn lúc tuổi già nhưng do trường khí không hòa hợp, nên mãi mãi cũng như hai đường thẳng song song, có thể thấy nhau mà chẳng thể chạm tới. Thật sự là ngang trái.
Mạnh gật đầu, ánh mặt nhìn xa xăm rồi trầm ngâm nói:
– Đúng là cuộc đời muôn hình muôn vẻ, chỉ có thể nhìn sâu vào lá số mới hiểu được tâm tư
của họ.
Một buổi sáng thú vị trôi qua khá nhanh. Ngộ Trí lão sư trở về tư gia của bà Huyền để bắt mạch cho bà, sau đó kê một vài thang thuốc bổ để bà nâng cao khí huyết thể trạng. Suốt bữa cơm trưa, bà Huyền cứ nằng nặc mời lão Trí và hai người học trò ở lại để bà dẫn đi tham quan một số địa danh khác của Ninh Bình như Tràng An Bái Đính và Tam Cốc Bích Động. Nhưng do còn công việc phía trước nên Ngộ Trí lão sư đành hẹn bà một dịp khác. Điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình miền Trung của ba người là vùng đất Thanh Hóa. Nơi phát tích của rất nhiều vị vua trong lịch sử Đại Việt. Cũng là nơi mà một loạt những sự kiện kỳ lạ liên tiếp xảy ra với họ.