HẤP TINH ĐẠI PHÁP

BA LẦN TRỢ MỆNH

Rời Thanh Hóa, ba thầy trò Ngộ Trí lão sư tiếp tục tiến về Nghệ An. Lão Trí có hẹn với một người bạn chế tác đá quý ở đó tìm giúp một một khối đá trắng nhỏ để làm một bức tượng Phật. Ngược quốc lộ 48 từ thành phố Vinh, sau hơn 2 giờ đi bằng ô tô, lão Trí đã tới Quỳ Hợp. Từ ngã ba Săng Lẻ lên thị trấn, có thể thấy rõ được sự sầm uất, rõ nét hình hài của phố núi với cơ sở hạ tầng và hệ thống giao
thông, nhà cửa, các dịch vụ, thương mại… đã phát triển hơn rất nhiều so với trước kia.
Quỳ Hợp là một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Nghệ An, là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Với đặc điểm thổ nhưỡng đặc biệt, diện tích đất rừng lớn, chiếm hơn 40% diện tích đất tự nhiên. Nên địa hình nơi này được đan xen giữa đồng bằng, núi đồi cũng như rừng tự nhiên. Vì vậy, trữ lượng gỗ quý cùng với các mỏ đá quý, vàng, quặng là rất phong phú.
Đường từ trung tâm thị trấn Quỳ Hợp về xã Châu Hồng khá xấu. Đi qua những con đường
quanh co men theo chân núi của quốc lộ 48. Đập vào mắt mọi người là đoạn đường chằng chịt đá sỏi, ổ voi ổ gà của tỉnh lộ 532. Các xe tải chở đá nối đuôi nhau chạy qua lại, bụi bay mù mịt, quả là thủ phủ của nơi khai thác khoáng sản, cung cấp đá cổ thạch của cả nước.

Ngôi nhà ông Trọng bao lâu nay vẫn vậy, tuy có sửa sang lại đôi chút nhưng cái mùi bột đá thì
khó mà lẫn đi đâu được. Theo thời gian, nó đã len lỏi vào từng cánh cửa, chiếc bàn, thậm chí ngấm vào da thịt của ông Trọng. Trên bàn làm việc của ông ngoài phòng khách, những vụn đá quý, viên đá nhỏ để phủ kín trên bàn, đủ các chủng loại kích cỡ. Những viên đá vô tri này, qua bàn tay tỉ mỉ, cẩn thận của ông đều được hóa phép thành những sản phẩm trang sức vô cùng tinh xảo. Các công đoạn như chọn đá, mài, gắn đính, xoay đai, đánh bóng mặt trước, mặt sau đều được ông thực hiện vô cùng bài bản và chuyên nghiệp.
Trò chuyện hàn huyên cả buổi sáng, Minh và Mạnh thay nhau lái xe đưa Ngộ Trí lão sư và ông Trọng đi xem các xưởng đá trong xã suốt cả buổi chiều. Khác với dòng đá đỏ ruby làm trang sức, loại đá
cẩm thạch mà Ngộ Trí lão sư muốn tìm được khai thác rộng rãi và có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, để chọn được một khối đá đẹp để làm tượng cũng không hề là chuyện đơn giản. Đá ở Quỳ Hợp hấp dẫn người dùng với vẻ ngoài sang trọng, nhẵn mịn và không có những vết trầy xước, khiến cho những sản phẩm chế tác ra trông vô cùng nổi bật và đa dạng. Có thể làm được vô số sản phẩm như hòn non bộ, thác nước, hồ cá, đá lát, bàn ghế đá. Ưu điểm nổi trội đó là ít bị mài mòn, bền màu với thời gian, ít bị rêu mốc bám… Ở Quỳ Hợp các mỏ đá nằm rải rác ở các xã. Mỗi quả núi, mỗi khu vực lại cho ra các loại đá khác nhau cả về chất lượng và màu sắc. Có loại trắng mịn tinh khiết, có loại thì có màu vàng đỏ nổi vân…
Đi cả buổi chiều, thấy bạn mình có vẻ chưa ưng ý lắm với các mẫu đá hiện tại, ông Trọng liền nói:
– Hay mai tôi với ông lên thị trấn Tân Lạc xem thêm. Tiện thể lên đó xem đấu giá cổ thạch. Nghe
nói có mấy người đào trúng nguyên thạch tốt lắm.
Ngộ Trí lão sư gật đầu đồng ý. Ông cũng có mấy ngày nghỉ ngơi trước khi bắt đầu kế hoạch công
việc mới. Tối hôm đó, sau bữa cơm chiều. Minh và Mạnh trở về nhà nghỉ, còn hai người bạn già ngồi
tâm sự với nhau tại nhà ông Trọng tới gần nửa đêm mới đi ngủ.
7h sáng hôm sau, mọi người lại tiếp tục xuất phát. Con đường từ Châu Hồng tới Tân Lạc chỉ tầm
40km, nằm trên quốc lộ 48, chủ yếu là đường chạy qua núi quanh co gấp khúc, thi thoảng độ 5,7km lại có một thị trấn tập trung dân cư, còn đâu là đường rừng núi. Có lẽ cảnh vật đẹp nhất là đến gần thị trấn Tân Lạc, nơi có thủy điện Nậm Pông và đập Na Xén. Cảnh sắc núi rừng như hòa với sông suối, đan xen là những thung lũng bản làng, những ngôi nhà trong thị trấn dần hiện lên khi xe đi qua đập thủy điện. Cả thị trấn như một thung lũng được ôm trọn trong lòng núi rừng và con sông Hiếu uốn quanh.
Đi qua cầu Hoa Hải, ông Trọng chỉ đường vào một khu xưởng đá cũ. Bên trong có một dãy nhà trống như những chiếc lán liên tiếp nối nhau, đặt vô số các khối nguyên thạch từ to đến nhỏ. Không giống những chợ đá quý thông thường như chợ đá quý ở Lục Yên, Yên Bái hay như ngay ở chợ đá quý Hoàng Hoa Thám Hà Nội. Khu đấu giá nguyên thạch ở Tân Lạc này có phần bụi bặm và thô sơ hơn. Đá quý ở đây cũng là dạng nguyên thạch chưa được cắt xẻ, chế tác thô như những chợ đá quý khác. Máy cắt, máy mài, dụng cụ được bày ngay sau nhà đấu giá. Tuy có vẻ thô sơ nhưng không vì thế mà ít người đến xem. Xa xa ở bãi xe là la liệt xe máy, ô tô. Từ loại trung bình cho tới những chiếc xe đắt tiền. Bên trong khu nhà đấu giá, những cục nguyên thạch được bày đủ kiểu trên bàn, dưới đất.

Đổ thạch trở thành một loại phương thức giao dịch ngọc thạch rất phát triển ở các nước Trung
Quốc, Miến Điện. Người ta mua bán các khối nguyên thạch được khai thác ra từ núi, chưa qua cắt xẻ. Ngoại trừ hình dạng và trọng lượng ra ai cũng không rõ bên trong là cái gì, chỉ có cắt ra mới có kết luận chính xác, người đổ thạch dựa vào kinh nghiệm của chính mình, căn cứ vào biểu hiện trên lớp vỏ cứng, nhiều lần tiến hành suy đoán và đánh giá, tính ra giá cả. Nếu mua về cắt ra bên trong có ngọc, lập tức giá trị thành gấp trăm nghìn lần, cũng có khả năng bên trong là tảng đá không màu không nước, nháy mắt trở nên không đáng một đồng. Đây là sự phiêu lưu của kinh doanh đổ thạch. Một tảng đá có thể làm cho người ta phất lên, giàu có nhanh chóng, cũng có thể làm người ta trong một đêm mất hết tiền bạc, cho nên trong giới đổ thạch vẫn có 1 câu cửa miệng: “một đao thiên đường, một đao địa ngục”. Chính vì vậy, khu chợ này luôn là nơi mang lại hy vọng đổi đời của rất nhiều con người.
Ông Trọng vỗ vai Ngộ Trí lão sư, chỉ về phía bàn của một người đàn ông trung niên. Đó là ông Cẩm, người bán mà dân đổ thạch khá quan tâm vì ông hay có nhiều mẫu nguyên thạch khi cắt ra có tỉ lệ ngọc cao hơn những người bán khác.
Không khí bàn luận và trả giá rất náo nhiệt, người bán kẻ mua, nâng lên đặt xuống, mọi người cùng nhau đánh giá, trao đổi. Tay ai cũng lăm lăm chiếc đèn soi đá để tự mình tìm cơ hội. Trong lúc mọi người đang tập trung bàn tán xung quanh chỗ nguyên thạch của ông Cẩm, Mạnh ghé tai nói thầm
với Ngộ Trí lão sư:
– Nhiều nguyên thạch như vậy, nếu là con, con lấy ra xẻ hết, kiểu gì cũng đổi đời.
Ngộ Trí lão sư mỉm cười, ghé sát tai lại nói:
– Ôi cậu nhóc này, đất có tuần, nhân có vận. Những người có kiếp số được giàu sang như con
nói thì họ chẳng còn ngồi đây bán đá nữa rồi. Haha
Ông Trọng bên cạnh gật gù đáp:
– Lão nói đúng thật, tay Cẩm này đúng là số khổ. Chăm chỉ làm lụng, tích góp thế nào mà vợ nó
lừa lấy một số tiền lớn rồi bỏ đi. Bây giờ vừa nợ nần, vừa phải nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học. Đúng là ý trời.
Ngộ Trí lão sư nghe thấy vậy, bất giác trong lòng gợi lên thương cảm. Ông quan sát Cẩm, người
đàn ông trung niên khỏe mạnh này dường như già hơn tuổi. Đôi tay rắn chắc nhưng khá nhiều vết sẹon hỏ, có lẽ do quá trình khai thác đá bị trầy xước. Khuôn mặt và ánh mắt toát lên vẻ trung trực, ngay thẳng. Suy tính việc gì đó, lão Trí tiến gần hơn đến khu vực đang đấu giá. Một người đàn ông lịch lãm trong bộ vest đen đang dùng chiếc đèn soi đá để đánh giá viên nguyên thạch, ông ta nói với ông Cẩm:
– Viên này ông bán bao nhiêu?
Ông Cẩm trả lời:
– 15 triệu, loại này tốt đó, ông mang ra đổ khả năng có ngọc rất cao.
Người đàn ông kia cười đáp:
– Haha, lão Cẩm à, viên này non quá, tuổi đá tôi sợ chưa đủ. Thế này đi, trả ông 5 triệu. Nếu được tôi mua.
Ông Cẩm lắc đầu nói:
– Không được rồi, rẻ quá. Một người lão luyện như ông nhìn là biết chất đá mà. 10 triệu tôi chốt với ông.
Người đàn ông kia lại đáp:
– Không, 5 triệu thôi. Nếu không tôi đi chọn chỗ khác.
Người đàn ông kia quay người bước đi, ông Cẩm suy nghĩ một lúc, lộ nên vẻ tiếc nuối, đang định cất tiếng gọi vị khách kia quay lại. Thì đột nhiên có một bàn tay nắm lấy tay mình, quay sang nhìn thì chính là Ngộ Trí lão sư. Ông Cẩm đang ngạc nhiên chưa hiểu chuyển gì, thì lão Trí cất tiếng:
– Anh bạn ạ, theo ta nghĩ anh nên giữ lại viên nguyên thạch này. Cắt nó ra, anh sẽ không phải lo cơm ăn áo mặc nữa.
Lão Trí vừa nói, tay vừa cầm viên nguyên thạch ngắm nhìn. Ông Cẩm bị vụt mất vị khách sộp, lại bị lão già tự dưng ở đâu đến nói loạn, nhất thời bực tức, ông ta mắng lão Trí:
– Ông già này, biết gì mà can dự việc tôi buôn bán. Nếu vậy sao ông không mua đi.
Ngộ Trí lão sư vẫn bình tĩnh, nhìn ông ta rồi mỉm cười. Còn ông Cẩm, sau lúc bực tức nhất thời vì bị hút mất một vụ giao dịch, ông nhìn lại Ngộ Trí lão sư, người này tuy già nhưng toát ra thần thái và
khí độ bất phàm. Nhìn bàn tay cầm viên nguyên thạch, ông Cẩm mới phát hiện ra trên ngón cái của
Ngộ Trí lão sư có đeo một chiếc nhẫn ngọc. Ông giật mình quan sát lại một lượt Ngộ Trí lão sư từ trên xuống dưới, trong đầu thầm nghĩ:
– Người này quả không phải thường, chiếc nhẫn trên tay ông ta là loại ngọc phỉ thúy cực phẩm.
Suy nghĩ một lát, ông Cẩm hạ giọng nói với Ngộ Trí lão sư:
– Xem chừng anh cũng là người có chút am hiểu. Sao anh biết chắc trong này sẽ có đá quý?
Ngộ Trí lão sư nghe xong, mỉm cười, ghé tai ông Cẩm nói nhỏ gì đó. Ông Cẩm ngẩn người nhìn Ngộ Trí lão sư, sau đó quay ra nhìn ông Trọng đang đứng cạnh. Một lát sau, ông Cẩm quyết định cầm viên
nguyên thạch ra chỗ máy cắt, quyết định dồn vận may cuộc đời mình vào nhát cắt này.
Cảnh tượng mỗi khi có người đổ thạch thật thú vị, mọi người xung quanh hiếu kỳ chen lấn, quây tròn vào chỗ máy cắt. Người thì quay phim chụp ảnh, người thì bàn tán bình phiếm, tạo nên một cảnh tượng vô cùng huyên náo và hào hứng.
Viên nguyên thạch được đưa vào máy cắt, nước phun lên bề mặt đá liên tục, hòa vào tiếng của lưỡi cưa kim cương. Cuối cùng viên nguyên thạch cũng đã được cắt làm đôi, tất cả mọi người đều hồi hộp chờ đợi ông Cẩm mở ra. Nhưng chính lúc này, hai tay ông cũng đang run run. Ông bèn nhắm mắt, hai tay tách mạnh viên nguyên thạch mà không dám nhìn. Vừa tách đôi viên nguyên thạch, chưa kịp mở mắt, ông đã nghe tiếng mọi người xung quanh hò hét reo lên:
– Phát tài rồi, ruby, ruby, phát tài rồi ông Cẩm ơi!
Mở mắt ra, ông Cẩm không tin vào mắt mình, viên nguyên thạch to gần bằng hai bàn tay ông, lớp đá ngoài có vẻ không được chất lượng tốt, nhưng khi mở ra, một màu đỏ sáng rực của ngọc ruby lóe lên, Chất ngọc trong suốt, không hề bị nứt xước. Ông Cẩm sung sướng, nhảy lên hét ầm cả khu. Sau
đó như nhớ ra điều gì, quay sang nhìn lão Trí, mừng rỡ đáp:
– Đội ơn ông, đội ơn ông giúp tôi. Mời ông qua chỗ tôi, xin tặng ông một viên ngọc nhỏ coi như
lời cám ơn.
Ngộ Trí lão sư lúc đó, chỉ mỉm cười đáp lại:
– Chúc mừng ông, tôi đã nói từ giờ ông sẽ không phải lo cơm ăn áo mặc mà. Cũng không cần
tặng quà tôi làm gì. Viên đá đó vốn là của ông mà.
Ông Cẩm ngây người, chưa biết xử lý ra sao. Tuy đây là cả gia tài với ông. Nhưng với tính cách của một người cương trực khẳng khái, ông không thể làm Ngộ Trí lão sư thua thiệt được, dù gì cũng là
do lão Trí bằng mọi cách ngăn ông giữ lại viên nguyên thạch này. Thấy ông Cẩm đang khó xử, ông
Trọng ở bên cạnh vỗ vào vai rồi cười nói:
– Lão bạn già của tôi nhất quyết sẽ không cầm. Thế này đi, ông ấy đang cần một khối đá cẩm thạch trắng để làm tượng, anh tìm giúp ông ấy một khối đẹp nhất, phụ trách giám sát lúc chế tác là được.
Ngộ Trí lão sư ở bên cạnh mỉm cười không nói. Ông Cẩm không biết làm sao, chỉ gật đầu liên tục, vui mừng nói:
– Nếu vậy thì quá đơn giản.
Ông Cẩm cứ liên tục nói cám ơn, mắt rơm rớm nước mắt. Có lẽ cuộc đời ông chưa bao giờ nghĩ có ngày sẽ có được một khối ruby như vậy, chưa bao giờ nghĩ sẽ thoát cảnh khó khăn cực khổ gà trống
nuôi con. Ước mơ có được một cuộc sống tốt hơn, sung túc hơn. Đủ điều kiện học hành cho các con
ông đã ở ngay trước mắt một cách không thể ngờ tới. Ngộ Trí lão sư vỗ vai ông Cẩm, mỉm cười nói:
– Không phải do tôi, là trời giúp anh. Khổ tận cam lai, làm người cha tốt cũng chính là phước báu của anh.
Pha đổ thạch của ông Cẩm làm cho cả chợ đá quý một phen huyên náo. Không khí mua bán của mọi người trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Sau khi ông Cẩm xin số điện thoại lão Trí để hẹn ngày xem mẫu
tượng và thu dọn đồ đạc ra về. Bốn người lão Trí cũng rời khỏi chợ đá quý, định đi thăm thú một vài
xưởng đá. Khi hai người đến bãi để xe, thì đột nhiên người đàn ông mặc vest đen ban nãy xuất hiện,
lịch sự chào hỏi rồi nói:
– Chào các vị, tôi là Kiên, chủ công ty khai thác Đức Kiên, có thể làm phiền mọi người ít phút được không?
Nói rồi người đàn ông rút ra hai tấm danh thiếp đưa cho ông Trọng và lão Trí. Ngộ Trí lão sư nhìn vào tấm danh thiếp. Trên đó có ghi: “Trần Đức Kiên – chủ tịch HĐQT công ty TMDV và khai thác Đức Kiên”. Lão Trí gật đầu mỉm cười rồi đáp:
– Vâng, chúng tôi giúp gì được anh?
Vị chủ tịch áo đen liền vào thẳng vấn đề, ông ta nói:
– Nãy tôi đã quan sát toàn bộ sự việc ở chợ đá, vô cùng bái phục tài năng của ông, nhưng xin hỏi
ông có phải là thầy thuốc không?
Ngộ Trí lão sư mỉm cười gật đầu rồi nói:
– Anh bị bệnh gì à? Sao lại nghĩ tôi là thầy thuốc?
Vị chủ tịch kia trả lời:
– Lúc đứng gần tôi có ngửi thấy mùi của đương quy, xen lẫn vài vị thuốc khác, còn chiếc nhẫn phỉ thúy trên tay thầy, hình như tôi đã từng thấy một vị đại phu ở y đường lớn tại Bắc Kinh đeo. Nên tôi
có chút suy đoán, mạo muội đến làm phiền. Vì hiện tại trong nhà đang có người bệnh mà không tìm
ra phương thuốc.
Ngộ Trí lão sư quan sát hình tướng của vị kia, lòng thầm nghĩ:
– Người này tướng mạo oai vệ, thần khí sinh vượng, nếu có bệnh chắc là không thể, chỉ có vùng khí xám lúc ẩn lúc hiện trên cung phu thê.
Nghĩ vậy Ngộ Trí lão sư trả lời:
– Anh quả là quan sát không tệ. Tôi chủ yếu làm về đông y. Xin hỏi phu nhân của anh hiện sức khỏe vẫn tốt chứ?
Vị kia nghe vậy tái mặt, liền đáp lại:
– Đúng là tôi không nhìn nhầm. Thầy có thể tới kiểm tra bệnh giúp bà nhà tôi được không? Mấy năm nay, vợ tôi như người mất hồn, thể lực suy kiệt, lúc ốm lúc khỏe, đi biết bao nơi mà khám không ra bệnh.
Ngộ Trí lão sư nhìn vị chủ tịch, thấy thái độ ông ta vô cùng khẩn khoản, là thực lòng muốn tìm thầy tìm thuốc. Nên lão Trí cũng không nỡ từ chối:
– Vậy anh cho tôi số điện thoại liên lạc, tôi cần ở đây xử lý việc riêng mất một vài hôm, sau đó
sẽ qua chỗ anh. Anh ở đâu nhỉ?
Vị kia nghe vậy, vui mừng khôn xiết:
– Tôi ở ngay thị trấn Quỳ Châu. Xin thầy đừng lo, chuyện xe cộ tôi lập tức điều lái xe đến đưa
rước thầy, đường xá Quỳ Hợp có phần khó đi, có lái xe sẽ yên tâm hơn.
Ba ngày sau, khi đã chốt xong mẫu tượng Phật, mấy người lão Trí được lái xe của ông Kiên dẫn tới tư gia của mình tại thị trấn Tân Lạc. Nơi đây trước kia là thị trấn Quỳ Châu, sau khi được chính phủ phê duyệt việc mở rộng địa giới hành chính năm 2010, sát nhập thêm xã Châu Hạnh thì đã đổi tên thành thị trấn Tân Lạc thuộc huyện Quỳ Châu với 1 thị trấn và 11 xã.
Trong lúc đi đường, Minh có tò mò hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Sao hôm trước thầy biết trong viên đá đó sẽ đổ được ngọc hả thầy?
Lão Trí nhìn Minh, cười hóm hỉnh:
– Ta đoán bừa đấy, tin không?
Mạnh nghe xong, cười khoái trá rồi nói với Minh:
– Thầy nói cho ông để ông học lóm đi lòe người ta à? Ông cái gì cũng muốn biết nhỉ, chỉ giỏi được một thứ thôi chứ. Tập trung vào Tử Vi đi. Theo tôi là thầy có mắt thần Tôn Ngộ Không, chả lẽ không nhìn được. Giờ ông chuyển nghề làm đào đá quý, đào lên mang tới gửi thầy thẩm tra, ắt vài ba năm sẽ giàu to.
Câu nói đùa của Mạnh làm cả ba người vui vẻ cười đùa một phen. Chẳng mấy chốc mà xe đã đến nơi. Nơi ở của ông Kiên có phần giống với những gia đình có điều kiện, nhưng làm về khai thác khoáng sản mà Ngộ Trí lão sư từng tới. Đó là khu đất có khoảng sân rộng, để được nhiều xe oto, đặc biệt là loại xe bán tải. Người ra vào liên tục.
Biết Ngộ Trí lão sư đến, nên ông Kiên đã đứng chờ sẵn ở cửa chính. Nhưng lại thấy xe của Ngộ Trí lão sư dừng ở phía đầu cổng, lão Trí xuống xe và đứng quan sát vào bên trong. Thấy lạ, ông Kiên vội vàng đi ra cổng để đón lão Trí. Vừa tới gần, ông đã lên tiếng:
– Chào thầy, mời thầy vào nhà, ở ngoài nắng lắm.
Ngộ Trí lão sư vui vẻ đáp:
– Cảm ơn anh, nhà anh xây đẹp quá.
Ông Kiên được khen, khá tự hào nên khoe rằng:
– Chả giấu gì thầy, tôi cũng đi tìm hiểu, có nhờ được một vị sư phụ làm phong thủy cho ngôi nhà
này. Từ hồi làm xong, vợ chồng làm ăn thuận lợi, kinh tế ngày càng tốt.
Ngộ Trí lão sư nghe vậy, mỉm cười đáp:
– Tôi cũng thấy căn nhà của anh về phong thủy cơ bản là hài hòa, không có gì xung phạm. Nhưng tại sao vợ anh vẫn bị ốm?
Ông Kiên nghe xong, ngẩn người, không biết trả lời thế nào, lão Trí bèn cười, nói tiếp:
– Tôi nói vậy thôi, anh đừng lo. Đất có vận đất, người có vận người. Thôi đưa tôi vào xem mạch
cho phu nhân.
Bà Trâm, vợ ông Kiên là một người phụ nữ duyên dáng và sắc sảo. Tuy rằng thần khí bà ta dạo gần đây có chút nhợt nhạt. Nhưng vẻ thông minh vẫn toát lên trong ánh mắt và cử chỉ của người phụ
nữ này. Vừa bắt mạch, Ngộ Trí lão sư vừa nghĩ thầm trong lòng:
– Có lẽ ông Kiên quá lo lắng, bà Trâm chỉ là bị suy nhược cơ thể. Lục phủ ngũ tạng đều không
có vấn đề gì nghiêm trọng.
Ngộ Trí lão sư sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, giải thích cặn kẽ về tình hình sức khỏe của bà Trâm cho hai người. Liền kê cho bà chút thang thuốc để bồi bổ sức khỏe khí huyết. Lão Trí hẹn ông Kiên sẽ quay lại kiểm tra sức khỏe của bà Trâm sau khi bà dùng thuốc, và còn phải đợi việc làm tượng Phật hoàn thành.
Ba ngày sau, khi bức tượng Phật đã dần lên hình theo đúng ý Ngộ Trí lão sư. Ông cùng hai người học trò trở lại tư gia của ông Kiên. Trong lúc bắt mạch lần này, Ngộ Trí lão sư phát hiện ra tình trạng suy nhược của bà Trâm không thuyên giảm, lão Trí suy nghĩ trong đầu:
– Lạ thật, không thể như vậy được. Ít nhất thì bài thuốc của ta phải có tác dụng để tăng được khí của bà Trâm. Sao ta cứ có cảm giác có gì đó đang đè nén, cản lại, thậm chí hút đi sức khỏe của bà ấy một cách vô hình thế không biết.
Thấy Ngộ Trí lão sư cứ mông lung suy nghĩ, bà Trâm lo lắng liền hỏi:
– Sức khỏe tôi có vấn đề gì hả thầy?
Lão Trí mỉm cười đáp:
– Không có vấn đề gì nghiêm trọng, bà đừng lo, chỉ là ta đang nghĩ cách tăng khí huyết lên cho bà. Như vậy sẽ không có cảm giác uể oải.
Bà Trâm mừng rỡ, cám ơn lão Trí. Nhưng khuôn mặt lại lập tức trở lại ủ rũ. Bà than thở:
– Vâng, mong thầy xử lý giúp. Nghe lời thầy tôi ở nhà tĩnh dưỡng ít hôm cũng thấy trong người khỏe khoắn. Nhưng không có tôi ở công ty là mọi việc cứ rối tung lên. Công việc cứ liên tục gặp trục trặc. Lạ thật.
Câu nói của bà làm Ngộ Trí lão sư có chút hồ nghi trong lòng. Lão Trí liền nói:
– Chị có nhớ ngày giờ sinh không? Có thể cho tôi biết được không?

Ngộ Trí lão sư bấm đốt ngón tay, tính toán một hồi rồi quay sang hỏi bà Trâm:
– Năm 33 tuổi chị có bầu một bé gái đúng không?
Bà Trâm nghe xong, sững người một lúc. Sau đó bà quay sang nhìn chồng. Ông Kiên ở bên cạnh cũng có chút ngạc nhiên, nhìn bà ra hiệu. Cả hai vợ chồng họ không hiểu tại sao Ngộ Trí lão sư lại biết chính xác được năm bà có bầu. Bà gật đầu trả lời Ngộ Trí lão sư:
– Vâng đúng là năm đó tôi có bầu cháu đầu lòng thầy ạ.
Ngộ Trí lão sư gật đầu rồi nói tiếp:
– Con cái là ý trời. Đứa bé này khi làm ăn phát triển, bắt đầu có tiền bạc thì nó mới được sinh ra. Nhưng cũng sẽ không hợp với chị.
Bà Trâm một lần nữa lại nhìn chồng, sắc mặt bà khá hoảng hốt. Không hiểu sao người thầy thuốc trước mặt bà lại có thể biết những chuyện bí mật trong gia đình. Quả là khi lấy ông Kiên, người đã từng có một đời vợ, chuyện kinh doanh khai thác của ông lúc đó không được thuận lợi. Nhưng khi bà bắt đầu hỗ trợ ông trong công việc, mọi việc của ông ngày càng hanh thông, khi đã có kinh tế thì cũng là lúc đứa con gái đầu lòng của ông bà được sinh ra. Nhưng chẳng hiểu sao đứa trẻ lại nghịch
ngợm và không mấy quấn mẹ.
Đứng ở bên cạnh nghe toàn bộ câu chuyện, ông Kiên bắt đầu mở lời hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Thầy xem có cách nào giúp bà nhà tôi không hả thầy. Đúng là khi gia đình bắt đầu có kinh tế
thì vợ tôi sinh hạ con gái thầy ạ.
Minh và Mạnh đứng sau lão Trí, cả hai tuy chăm chú lắng nghe từng lời thầy mình nói nhưng vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao lại vậy. Thi thoảng lại đối chiếu nhìn vào lá số bà Trâm trên điện thoại để tìm lời giải cho câu trả lời của Ngộ Trí lão sư.
Lão Trí suy nghĩ một hồi rồi từ từ lấy trong chiếc túi vải ra tờ giấy hoàng chỉ, dùng mực chu sa
viết gì đó vào mảnh giấy. Ông đưa cho bà Trâm rồi ghé sát tai dặn dò:
– Như thế, như thế…
Bà Trâm nghe rồi gật đầu lia lịa và cảm ơn Ngộ Trí lão sư. Chồng bà, Minh và Mạnh đứng xung quanh đều khá tò mò nhưng không ai cất tiếng để hỏi. Ngộ Trí lão sư quay sang nói với ông Kiên:
– Tôi đã dặn dò chị nhà. Lát những việc cần chị sẽ nói với anh. Mấy thang thuốc anh cứ theo đơn tôi kê mà sắc cho chị. Ba hôm nữa tôi sẽ quay lại để kiểm tra.
Ông Kiên vui mừng, cúi đầu cảm ơn Ngộ Trí lão sư:
– Quả thực phiền thầy đi lại vất vả. Chỉ mong mọi việc suôn sẻ thuận lợi.
Ngộ Trí lão sư mỉm cười đáp:
– Cũng là việc nên làm, có điều tôi chưa gặp ca bệnh nào giống của chị nhà, nên thực sự muốn biết đến chân tơ kẽ tóc.
Ba ngày nữa lại trôi qua khá nhanh, bức tượng phật của lão Trí do được ông Cẩm trực tiếp giám sát đã hoàn thành gần xong. Ngộ Trí lão sư và hai cậu học trò cũng tranh thủ đi thăm quan một số hợp
tác xã trồng dược liệu trong địa bàn Quỳ Hợp.
Trên đường đi tới nhà ông Kiên, Mạnh hỏi Ngộ Trí lão sư:
– Sao lần này con thấy thầy phải đi lại xem bệnh cho bà Trâm nhiều vậy ạ?
Ngộ Trí lão sư mỉm cười nói:
– Biển học là vô tận, những thứ ta đã biết đôi khi chỉ là một mảnh vỡ nhỏ của những điều ta chưa biết. Căn bệnh của bà Trâm cũng khá kỳ lạ, không phải bệnh âm, cũng không phải do bản thân cơ thể bà ấy. Ta cứ có cảm giác có gì đó đang khống chế bà ta mà chưa có lời giải.
Minh nghe vậy quay sang hỏi lão Trí:
– Mà hôm nọ thầy nói thầm gì với bà ấy đấy ạ?
Mạnh nghe vậy cũng nói chen vào:
– Rồi sao thầy biết cả lúc bà ấy có bầu, rồi cả có tiền thì mới có bầu, bọn con bàn luận mãi mà chẳng hiểu gì.
Ngộ Trí lão sư mỉm cười đáp:
– Hai đứa đoán thử xem.
Mạnh xị mặt, thở dài nói:
– Bọn con chịu thôi, thầy suốt ngày bắt học 1 hiểu 10.
Ngộ Trí lão sư phì cười, nhìn Mạnh rồi nói:
– Hôm nào rảnh ta sẽ nói vì sao tính cách mấy đứa lại như vậy.
Nghe vậy Mạnh sốt sắng:
– Thầy nói luôn cho bọn con nghe với ạ.
Minh ở bên, đập tay cậu bạn rồi nói:
– Thầy kệ nó, thầy giải thích vụ bà Trâm đi ạ. Ông Mạnh, ông có để thầy nói không, hỏi ít thôi không sắp đến nơi rồi.
Ngộ Trí lão sư liếc nhìn mấy cậu học trò ranh mãnh, bắt đầu nói:
– Thì phải nhìn người bắt tượng, dùng tượng đoán sự thôi. Bà Trâm dụng thần Lộc Quyền song tượng. Vì vậy khi lấy chồng ắt công việc kinh doanh sẽ thuận lợi. Có Tài Bạch ắt cũng sẽ kích phát Tử Tức. Sau đó mấy đứa chỉ cần dùng phi cung ứng kỳ tam bàn để xác lập ra vận hạn sinh nở mà thôi. Minh và Mạnh nghe xong, đang suy nghĩ chưa kịp hỏi thêm thì xe đã tới tư gia nhà ông Kiên. Sau khi vào phòng khách và chào hỏi mọi người, Ngộ Trí lão sư lập tức bắt mạch cho bà Trâm. Vừa xem mạch xong lão Trí đã nghĩ thầm:
– Quái lạ, mạch vẫn có tình trạng ngược suy như vậy, thuốc không có tác dụng. Sắc mặt bà Trâm
vẫn vậy, hơi có chút u ám, nhưng cung Phu Thê trên khuôn mặt lại vô cùng cường vượng.
Ngộ Trí lão sư bảo với bà Trâm:
– Phiền chị cho tôi xem lá phù tôi đưa chị. Và dẫn tôi đi xem phòng chị đang ở cùng cháu.
Lên tới phòng ngủ con gái bà, nơi bà đang ở mấy hôm nay theo lời dặn của Ngộ Trí lão sư. Bà Trâm nói với lão Trí:
– Quả là từ hôm ngủ với con bé, tôi cũng thấy dễ chịu hẳn thầy ạ. Nhưng cũng chỉ được hai hôm
đầu, đến hôm thứ ba người lại có cảm giác uể oải.
Ngộ Trí lão sư đi khắp căn phòng xem xét một lượt, sau đó quan sát tấm phù. Ông thầm nghĩ:
– Quả như ta dự đoán, tấm phù vẫn không có dấu hiệu lạ. Khi chuyển phòng cũng đã hồi phục
lại chút nguyên thần. Lý do là gì nhỉ? Thật kỳ lạ!
Trong lúc lão Trí đang suy tính. Minh đập vai Mạnh nói nhỏ:
– Thế ông đã nghĩ ra thầy nói thầm gì với bà Trâm chưa?
Mạnh bĩu môi nói:
– Biết thừa, sao không. Dụng thần mất cân bằng, cần dùng thủ pháp bình hoành để cân bằng lại năng lượng.
Minh tròn mắt, giơ ngón tay cái lên ra hiệu khâm phục rồi nói:
– Ái chà, nay khá quá nhỉ. Cao thủ, haha
Điện thoại bà Trâm reo lên, sau khi nghe xong, bà gọi người giúp việc lên rồi nói:
– Chị làm bát cháo chim bồ câu rồi bảo lái xe mang đến cho ông giúp tôi. Mấy nay không hiểu sao trong người lại không khỏe.
Ngộ Trí lão sư nghe thấy câu chuyện của bà Trâm, như nghĩ ra điều gì quan trọng, ông liền hỏi:
– Ông nhà mấy nay không khỏe à chị?
Bà Trâm gật đầu đáp:
– Vâng, không có em ở công ty, không hiểu sao mọi việc nó cứ hay gặp trục trặc. Chắc do anh ấy phải giải quyết nhiều việc nên mấy hôm nay kêu mệt mỏi.
Như hiểu ra vấn đề, Ngộ Trí lão sư liền hỏi tiếp:
– Chị có ngày giờ sinh của anh không? Nói cho tôi.
Có được lá số ông Kiên, Ngộ Trí lão sư nhắm mắt suy nghĩ, các đốt ngón tay liên tục tính toán. Sau một lúc, lão Trí mở mắt rồi nói với bà Trâm:
– Chị gọi anh về, tôi có việc cần nói với cả hai anh chị

Sau cuộc nói chuyện khá dài do phải giải thích cho hai vợ chồng ông Kiên. Hai ông bà đã đồng ý làm theo kế hoạch của Ngộ Trí lão sư. Bà Trâm đã tạm thời chuyển đến thành phố Thanh Hóa ở cùng bố mẹ và em gái ít hôm. Công việc công ty cũng do mình ông Kiên phụ trách.
Mấy hôm sau, Ngộ Trí lão sư cùng ông Trọng và hai cậu học trò đến nhận bàn giao tượng phật từ chỗ ông Cẩm. Bức tượng quả thực đẹp đến mỹ mãn. Sắc đá trong suốt, từng đường vân mịn màng ẩn hiện, bức tượng tuy không to nhưng từng đường nét đều vô cùng tỉ mỉ, toát lên thần thái vừa uy nghi
vừa an yên. Khi mọi người đang vui vẻ ngắm nhìn bức tượng và bàn luận, thì chiếc xe của công ty ông Kiên xuất hiện. Ông ta xuống xe, bước tới chỗ Ngộ Trí lão sư với vẻ vui mừng. Tiến đến gần, ông Kiên lập tức nói:
– Cám ơn thầy, quả là hay thật, bà nhà tôi sức khỏe và tinh thần tiến triển rõ rệt thầy ạ. Tôi định gọi điện nhưng nghĩ lại nên đến tận nơi để gặp thầy.
Ngộ Trí lão sư nghe xong, mỉm cười đáp:
– Vậy tốt rồi, anh cứ làm như tôi dặn, một thời gian sau mọi việc sẽ ổn.
Ông Kiên gật đầu cảm kích, quay ra liếc nhìn người lái xe của mình. Anh ta hiểu ý, liên ra cốp xe đem lại một bức tranh nhỏ mang đến cho ông chủ. Ông Kiên cầm bức tranh đã lồng khung và một túi vải gấm đỏ đưa cho lão Trí và nói:
– Đây là chút lòng thành của gia đình. Xin thầy hãy nhận cho.
Hai cậu học trò Minh và Mạnh mắt tròn mắt dẹt nhìn ngắm bức tranh được mạ vàng viền chữ, 4 chữ “Ngộ Trí Đại Phu”. Còn bên trong túi gấm đỏ thì không rõ là gì. Lão Trí không tỏ vẻ mừng rỡ, cầm lấy túi vải mở ra, bên trong là một xấp tiền, sau đó nhìn ông Kiên, lão sư mỉm cười nói:
– Bức tranh này, ta xin nhận. Còn số tiền này, thì không. Anh nên dùng nó để xây sửa lại phần nào đó của trường học trong huyện. Công đức sẽ là vô lượng. Vận kinh doanh của anh cũng sắp hết, không nên cố nếu không muốn thất bại. Mong anh nhớ những lời ta nói hôm trước. Giờ cũng là lúc anh tích phước làm thiện. Có như vậy của cải mới bền vững, gia đạo mới hạnh phúc.
Ông Kiên cúi đầu cám ơn lão Trí rồi rời đi. Không lâu sau, xe tải của công ty ông đã có mặt để chở bức tượng phật của Ngộ Trí lão sư trở về Hà Nội. Lão Trí sau đó cũng tạm biệt ông Trọng và ông Cẩm để cùng hai người học trò của mình tiếp tục lên đường tới Nghệ An.
Sau khi rời Quỳ Hợp được một lúc, Minh nói với Ngộ Trí lão sư:
– Đúng là đi cùng thầy bọn con được mở mang tầm mắt. Nhưng vì sao thầy dùng được Tử Vi như vậy thì bọn con bó tay luôn. Thật tài tình.
Ngộ Trí lão sư liếc nhìn hai người học trò, cười khổ rồi nói:
– Thôi, lại chuẩn bị nịnh ta rồi hỏi chứ gì?
Mạnh nghe vậy cười hì hì đáp:
– Đúng là không gì qua mắt được thầy. Bà Trâm sao lại khỏi bệnh thế hả thầy? Thầy làm kiểu gì
hay vậy ạ?
Ngộ Trí lão sư gật đầu trả lời:
– Ta cũng khá sơ suất. Lúc đầu nghĩ vấn đề chỉ do bà ấy. Nhưng cuối cùng cốt lõi mọi chuyện lại nằm ở chồng bà ta. Đúng là mọi sự vật hiện tượng đều không độc lập tồn tại, luôn bị tác động bởi những thứ xung quanh.
Minh nghe vậy, ngạc nhiên hỏi:
– Thế là lá số ông Kiên có vấn đề ạ?
Ngộ Trí lão sư nói:
– Đúng là thế, quan sát tỉ mỉ sẽ nhìn thấy cả hai lá số của họ đều là song tượng dụng thần có Lộc tinh ủng hộ. Vì vậy khi đến với nhau, chuyện phát tài chỉ là sớm hay muộn. Tuy nhiên, cách cục lá số
của ông Kiên lại ở thế “hấp tinh đại pháp”. Ông ta sẽ sử dụng khí của bà Trâm để dưỡng khí của bản
thân. Vì vậy công việc của ông ta càng phát triển, sức khỏe bà Trâm sẽ càng hao tổn.
Mạnh nghe xong, ồ lên nói:
– À, giống như kiểu dân gian người ta cứ nói người này người kia số sát phu ấy hả thầy?
Lão Trí gật đầu trả lời:
– Đúng là vậy, nó cũng là một loại bản thân có thể dụng khí được của người phối ngẫu. Âm Dương có quy luật cân bằng. Một người càng phát triển, càng mạnh lên, người kia ắt sẽ yếu bại. Dần dần sẽ dẫn tới yểu mạng nếu không biết cách xử lý.
Minh vừa gật đầu, vừa tấm tắc nói:
– Quả thật lợi hại, như vậy bà Trâm chắc chắn phải dụng cung Thiên Di để cân bằng lại rồi thầy nhỉ?
Ngộ Trí lão sư gật đầu nói:
– Các cậu cũng đã tinh thông thủ pháp rồi đó, nhưng phải luôn nhớ: hiểu lý thì mới dụng kỹ. Tử Vi Đẩu Số cũng là cuộc sống hàng ngày. Hiểu được cái lý của nó thì mới biết dụng được kỹ pháp ở đâu.
Thôi, để ta chợp mắt một chút.
Chiếc xe chở ba người lao vút trên đường cao tốc, trở về Hà Nội. Ngộ Trí lão sư thì đã thiếp đi lúc nào không hay. Mạnh và Minh thì vẫn thi nhau bàn luận, nói về những việc kỳ thú đã xảy ra trong suốt chuyến hành trình miền Trung của mình.

Trả lời